Phát biểu với báo Le Monde trên đường đến tham dự phiên họp của Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) ở New York (Mỹ), Tổng thống Macron cho rằng cần thận trọng trong việc quy kết trách nhiệm về vụ tấn công. Mặc dù có rất nhiều manh mối, song vụ không kích này là một diễn biến quân sự mới tạo ra sự thay đổi đối với môi trường khu vực.
Ông cũng thừa nhận dù Tổng thống Trump và Tổng thống Rouhani đều sẽ có mặt ở New York vào cùng thời điểm, song cơ hội đi đến đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo không hề tăng lên kể từ sau cuộc không kích. Cuộc phỏng vấn này đã được báo Le Monde đăng ngày 23/9.
Pháp đang nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) với Iran, trong bối cảnh Tehran đang giảm bớt cam kết nhằm phản ứng trước việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này. Paris cũng đang kêu gọi thận trọng và giảm leo thang tại vùng Vịnh. Tuy nhiên, những nỗ lực này của Paris dường như không trùng khớp với London khi Thủ tướng Anh Boris Johnson trên đường tới New York tham dự phiên họp ĐHĐ LHQ vẫn cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công.
Căng thẳng Mỹ - Iran leo thang kể từ tháng 5/2018, khi Tổng thống Trump đơn phương rút Mỹ khỏi JCPOA, đồng thời tái áp đặt và ngày càng siết chặt trừng phạt Iran. Căng thẳng có nguy cơ lên đỉnh điểm sau các vụ tấn công ngày 14/9 vừa qua vào các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia, mà Washington và Riyadh đổ lỗi do Tehran đứng đằng sau. Iran bác bỏ mọi dính líu.
Sau vụ việc này, chính quyền Mỹ mở rộng danh sách trừng phạt Tehran, nhằm vào ngân hàng trung ương. Lo ngại gia tăng sau khi Mỹ triển khai một nhóm tấn công bằng tàu sân bay và lực lượng ném bom đến vùng biển nhạy cảm này, trong bối cảnh Tổng thống Trump từng ra lệnh tấn công quân sự Iran hồi tháng 6 sau vụ Tehran bắn rơi một máy bay không người lái của Mỹ, song đã rút lại vào phút chót.
Cùng ngày, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi tại thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi giải quyết tranh chấp tại vùng Vịnh một cách hòa bình thông qua đối thoại.
Theo ông Tập Cận Bình, tình hình vùng Vịnh hiện tại đang phức tạp và nhạy cảm. Do đó, tất cả các bên cần bình tĩnh và kiềm chế, giải quyết các khác biệt một cách phù hợp thông qua đối thoại và đàm phán trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, cùng đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực. Ông nhấn mạnh Trung Quốc sẵn sàng trao đổi với tất cả các bên, bao gồm cả Iraq, trong vấn đề này.
Saudi Arabia hiện là nhà cung cấp dầu mỏ hàng đầu của Trung Quốc, trong khi Iraq là đối tác lớn thứ 4 khi xuất khẩu sang nước này 930.000 thùng dầu/ngày trong 7 tháng đầu năm 2019.