Phát biểu tại cuộc họp báo tối 20/9, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford thông báo Tổng thống Trump đã phê chuẩn đề xuất điều "hàng trăm binh sĩ", đồng thời tăng cường năng lực phòng không, tới Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Bộ trưởng Esper nêu rõ việc triển khai quân này là nhằm ủng hộ Saudi Arabia và UAE, đảm bảo dòng chảy tự do của nguồn nhiên liệu tại khu vực Vịnh Persian và đảm bảo trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc mà Iran được cho là đang phớt lờ.
Ông Esper một lần nữa cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia ngày 14/9. Đáp lại đề nghị trợ giúp từ Saudi Arabia và UAE, Mỹ sẽ chuyển giao vũ khí và triển khai thêm binh sĩ cũng như thiết bị tới vùng Vịnh, trong đó chủ yếu là các hệ thống "phòng không và phòng thủ tên lửa".
Về phần mình, Iran cương quyết bác bỏ những cáo buộc của Mỹ và đồng minh rằng nước này liên quan tới các vụ tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào Saudi Arabia.
Ngày 20/9, Mỹ tiếp tục siết chặt trừng phạt Cộng hòa Hồi giáo Iran, đồng thời để ngỏ khả năng sử dụng giải pháp quân sự đối với Tehran.
Phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng sáng 20/9 (theo giờ Mỹ) khi đón tiếp Thủ tướng Australia Scott Morrison, Tổng thống Trump cho biết ông đã chỉ đạo Bộ Tài chính Mỹ áp đặt trừng phạt Ngân hàng Quốc gia và Quĩ Phát triển của Iran, song từ chối nói rõ nội dung của đòn trừng phạt này.
Tổng thống Trump cho hay đây là một phần trong "loạt đòn trừng phạt cứng rắn nhất từng được áp đặt đối với Iran".
Khi được phóng viên hỏi về lựa chọn quân sự đối với Cộng hòa Hồi giáo Iran, nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố luôn luôn chuẩn bị phương án này.
Động thái trên là bước leo thang mới nhất của Washington nhằm gia tăng áp lực với Iran, một tuần sau khi xảy ra các vụ tấn công bằng tên lửa hành trình và thiết bị bay không người lái vũ trang nhằm vào các cơ sở dầu mỏ ở Saudi Arabia, một đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Đông. Mỹ và các đồng minh cáo buộc Iran đứng đằng sau vụ tấn công. Tuy nhiên, Tehran cương quyết bác bỏ cáo buộc này.
Giới quan sát tại Washington đánh giá Tổng thống Trump trong 1 tuần qua dường như đang thể hiện sự thay đổi về cách xử lý căng thẳng với Iran. Ngày 16/9, ông tuyên bố không muốn chiến tranh với Iran. Ngày 18/9, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết ông đang cân nhắc "nhiều lựa chọn", bao gồm cả "lựa chọn cuối cùng".
Lầu Năm Góc thông báo, trong ngày 20/9, giới chức quốc phòng Mỹ sẽ báo cáo với Tổng thống Trump một số phương án đáp trả Iran, trong đó có cả danh sách hàng loạt mục tiêu không kích tại Iran. Tehran trước đó cảnh báo tấn công Iran sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh tổng lực.
Ngay sau khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Ngân hàng Quốc gia Iran, Nga tuyên bố biện pháp trừng phạt này là trái phép. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ Moskva không công nhận lệnh trừng phạt này, khẳng định Nga sẽ tiếp tục hợp tác với Iran trong lĩnh vực ngân hàng.
Ngày 18/9, hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran đăng tin, trong một công hàm chính thức gửi tới Mỹ, Iran cảnh báo hành động đáp trả của Tehran đối với mọi cuộc tấn công quân sự sẽ không chỉ "giới hạn trong nguồn lực" của nước này.
IRNA cho biết: "Trong công hàm chính thức gửi tới Mỹ thông qua Đại sứ quán Thụy Sĩ, phái bộ đại diện cho lợi ích của Mỹ tại Tehran, Iran đã tái khẳng định không đứng sau các vụ tấn công nhằm vào những cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia, đồng thời cảnh báo rằng sẽ lập tức đáp trả mọi động thái của Mỹ chống lại Iran". Tehran đồng thời bác bỏ và lên án những cáo buộc của Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rằng Tehran đứng đằng sau các vụ tấn công nhằm Saudi Arabia.