Lý do thực sự ngăn Mỹ tấn công Iran

Không phải vì sợ nước Mỹ lại vướng vào một cuộc chiến tranh nữa ở Trung Đông mà Tổng thống Donald Trump chưa tấn công Iran. Lý do thực sự nằm ở lợi ích dầu mỏ.

Chú thích ảnh
Khói bốc lên từ nhà máy lọc dầu Aramco ở Abqaiq, miền Đông Saudi Arabia sau vụ tấn công ngày 14/9/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ Foreign Policy, phía Mỹ khẳng định Iran chịu trách nhiệm cho vụ tấn công hai cơ sở sản xuất dầu quan trọng ở Saudi Arabia cuối tuần trước, khiến sản lượng dầu nước này giảm 5,7 triệu thùng/ngày và giảm nguồn cung dầu toàn cầu hơn 5%. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng đây là hành động chiến tranh. 

Nếu Mỹ quyết định trả đũa quân sự sau các vụ tấn công này, cuộc đối đầu ở Vịnh Persian sẽ gây bất ổn sâu sắc hệ thống cung cấp dầu khí toàn cầu. Dù đơn phương hay phối hợp với Saudi Arabia, nếu Mỹ tấn công Iran và nhằm mục tiêu vào các cơ sở dầu mỏ thì những cuộc tấn công này sẽ khiến sản xuất dầu đình trệ. 

Mặc dù sản lượng dầu của Iran đã giảm mạnh từ khi Mỹ áp đặt lại các biện pháp trừng phạt năm 2018 nhưng Iran vẫn sản xuất hơn 2 triệu thùng dầu mỗi ngày và xuất khẩu khoảng nửa triệu thùng sản phẩm xăng và khí hóa lỏng hàng ngày cho nhiều thị trường. Không kích sẽ khiến nguồn cung này không thể ra thị trường trong khi các nhà sản xuất dầu khác đang chật vật bù đắp cho lượng dầu thiết hụt từ Saudi Arabia.

Iran cũng đã đe dọa trả đũa nếu Mỹ và Saudi Arabia dùng biện pháp quân sự. Nếu Iran nhằm vào các cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia, sẽ có thêm nhiều cơ sở bị tê liệt và cản trở quá trình sửa chữa tại hai cơ sở vừa bị tấn công là Abqaiq và Khurais. Các cuộc tấn công cuối tuần qua vào những cơ sở  sản xuất dầu này đã gây thiệt hại nhiều hơn các chuyên gia dự tính. Saudi Arabia có thể đã củng cố lại hệ thống phòng không sau khi bị tấn công nhưng quốc gia này chưa chắc đủ khả năng bảo vệ các cơ sở lọc dầu quan trọng trước máy bay không người lái và tên lửa bay tầm thấp.

Iran cũng có thể đáp trả các cuộc tấn công của Mỹ và Saudi Arabia bằng cách làm gián đoạn vận chuyển dầu mỏ. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran từng tuyên bố sẵn sàng bắt giữ các tàu chở dầu nước ngoài ở Vịnh Persian như trước đây. Lực lượng này có thể vô hiệu hóa các tàu chở dầu bằng mìn hoặc chất nổ khác.

Chú thích ảnh
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Saudi Arabia, Đại tá Turki al-Malki trong buổi họp báo tại thủ đô Riyadh ngày 18/9, công bố những bằng chứng về vụ tấn công nhằm vào các cơ sở lọc dầu nước này hôm 14/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuối cùng Iran còn có thể đóng cửa Eo biển Hormuz. Trước đây, Iran từng đe dọa đóng cửa tuyến đường biển quan trọng này hàng tháng trời. Mặc dù lực lượng hải quân Iran có thể không đủ khả năng ngăn chặn hoặc đóng cửa hoàn toàn eo biển trong một thời gian dài, nhưng một khi họ đã tìm cách thực hiện, các thị trường dầu toàn cầu sẽ xáo trộn. 

Tiền bảo hiểm cho các tàu chở dầu đi qua Eo biển Hormuz đã tăng gấp 10 từ tháng 5 tới tháng 9/2019. Nếu tuyến đường này bị chặn, tiền bảo hiểm sẽ còn tăng nữa. Giá dầu cũng sẽ nhảy vọt trước nguy cơ địa chính trị này.

Xung đột gia tăng ở Vịnh Persian sẽ ảnh hưởng tới lợi ích năng lượng của nhiều quốc gia. Saudi Arabia sẽ bị tác động trên nhiều mặt trận nếu tham gia xung đột ở Vùng Vịnh. Các cơ sở dầu của nước này sẽ bị thiệt hại thêm, dẫn tới mất doanh thu bán dầu. Điều quan trọng hơn là uy tín của công ty dầu quốc gia Aramco sẽ bị suy giảm mạnh. Giới chức Saudi Arabia đã phải khẩn trương khôi phục niềm tin vào công ty dầu này. Tổng giám đốc điều hành công ty Aramco đã thông báo sản lượng của cơ sở Abqaiq sẽ được khôi phục vào cuối tháng này nhưng dư luận vẫn hoàn nghi. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN

An ninh năng lượng của Trung Quốc và châu Âu cũng sẽ bị tác động bởi xung đột leo thang ở Vùng Vịnh. Saudi Arabia hiện là nhà cung cấp dầu hàng đầu cho Trung Quốc khi bán khoảng 17% lượng dầu Trung Quốc nhập khẩu. Trung Quốc mua một lượng nhỏ dầu thô của Iran cũng như các sản phẩm xăng. Các nước châu Âu đã ngừng mua dầu Iran và ít phụ thuộc vào dầu Saudi Arabia hơn trước. Tuy nhiên, các nước châu Âu vẫn nhập hơn 13% dầu từ các nhà sản xuất ở Vùng Vịnh. Do đó, nếu xung đột leo thang, châu Âu sẽ khó tiếp cận các nguồn cung này, buộc phải chi tiền nhiều hơn để mua dầu và nỗ lực ngoại giao của họ nhằm đưa dầu thô Iran trở lại thị trường toàn cầu cũng bị cản trở.

Cả Trung Quốc, Đức và Anh đều nhấn mạnh cần tránh xung đột trong khu vực nên nếu muốn tấn công Iran, Mỹ sẽ phải thực hiện một mình. Tuy nhiên, chính Mỹ cũng có lợi ích lớn để tránh xung đột leo thang. Mặc dù Mỹ giờ là nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới nhưng Mỹ cũng không tránh khỏi bất ổn trên thị trường dầu. Thị trường dầu mang tính toàn cầu nên thậm chí nếu Mỹ có trở thành nhà xuất khẩu ròng thì vẫn bị ảnh hưởng khi giá dầu tăng. Các cơ sở lọc dầu của Mỹ sẽ tốn nhiều tiền hơn để mua dầu thô dù dầu thô có nguồn gốc ở đâu đi chăng nữa. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu tại Tehran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Không ai thích giá xăng tăng nhưng giá xăng tăng sẽ đặc biệt nguy hiểm trong năm bầu cử tổng thống Mỹ. Túi tiền người Mỹ sẽ bị tác động trực tiếp và có thể ngay lập tức làm giảm số phiếu mà Tổng thống Trump cần để tái đắc cử. Nếu giá dầu tăng đẩy Mỹ vào suy thoái thì triển vọng tái đắc cử còn bị ảnh hưởng nặng hơn. 

Với những tính toán đó, Chính quyền của Tổng thống Trump dường như dần nhận ra cái giá chính trị mà Mỹ có thể phải trả nếu xung đột gia tăng. 

Thùy Dương/Báo Tin tức
Ngoại trưởng Mỹ: Vụ tấn công cơ sở dầu mỏ tại Saudi Arabia là ‘hành động chiến tranh’
Ngoại trưởng Mỹ: Vụ tấn công cơ sở dầu mỏ tại Saudi Arabia là ‘hành động chiến tranh’

Ngày 18/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố hành động tấn công nhằm vào các cơ sở dầu mỏ của tập đoàn Aramco tại Saudi Arabia là “hành động chiến tranh”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN