Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) dẫn lời nhà phân tích quân sự Song Zhongping nhận định việc đưa tên lửa hạt nhân vào cuộc diễu binh trước sự chứng kiến của công chúng là thông điệp Bắc Kinh gửi đến Mỹ trong thời điểm hai quốc gia có nhiều bất đồng và căng thẳng.
Một nguồn tin quân sự giấu tên của Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng nhận định: “Cuộc diễu binh nhằm kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc vào ngày 1/10. Vì vậy, đây là sự kiện khiến cả thế giới có thể thấy được thành tựu hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình từ 2012”.
Cũng theo nguồn tin giấu tên, các tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 và tên lửa phóng từ tàu ngầm J-2 đã được chuyển đến Bắc Kinh. Một phi đội tiêm kích thế hệ mới J-20 cũng đã chuẩn bị cho sự kiện này.
Tên lửa DF-41 được coi là "bảo kiếm" trong kho vũ khĩ của Trung Quốc, có khả năng mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân và tầm bắn lên tới 12.000 km, đồng nghĩa với việc tên lửa này có thể vươn tới lục địa Mỹ.
Trong khi đó, JL-2 có tầm bắn 7.000km nhưng cũng có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ khi được phóng từ biển.
Cả DF-41 và JL-2 đều không tham gia vào cuộc diễu binh lớn nhất của Trung Quốc tổ chức năm 2017 tại Nội Mông mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) – sự kiện với nhiều vũ khí tiên tiến hàng đầu nước này góp mặt.
Một nguồn tin khác cho biết tên lửa chống hạm DF-26 và các tên lửa siêu thanh DF-17 cùng DF-20 cũng có thể xuất hiện trong cuộc diễu binh ngày 1/10 năm nay.