Đằng sau những container trống rỗng trên tàu hỏa từ Trung Quốc đến châu Âu

Góc tối của ngành đường sắt Trung Quốc trong sáng kiến “Vành đai, Con đường” đã bị lật tẩy sau vụ việc nhiều container trống không trên tàu chở hàng di chuyển từ nhà máy tại Trung Quốc đến các thành phố châu Âu.

Chú thích ảnh
Container trên tàu chở hàng tại Trung Quốc. Ảnh: BBC

Tờ Chinese Business Journal (Trung Quốc) đã điều tra và phát hiện ra cơ quan đường sắt Trung Quốc che giấu thực trạng về việc vận chuyển những container trống rỗng. Có trường hợp trong cả chuyến tàu 41 container chỉ có 1 container chứa hàng hóa.

Tập đoàn đường sắt Trung Quốc đã thừa nhận về thực trạng nhức nhối này trong bài phỏng vấn mới đây của tờ Thời báo Hoàn cầu. Tuy nhiên cơ quan này khẳng định rằng đã giải quyết vấn đề từ năm 2018 với quy định mới hạn chế số lượng container bỏ không chỉ nằm trong khoảng 10% mỗi tàu.

Tập đoàn đường sắt Trung Quốc còn cho biết trong số các container đến châu Âu năm 2018, chỉ có 6% để trống. Đến nửa đầu năm 2019, Tập đoàn đường sắt Trung Quốc cho biết số container trống chỉ còn 2%.

Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thực chất vận chuyển các container trống rỗng để nhận trợ cấp của chính phủ.

Năm 2018, Bộ Tài chính Trung Quốc trợ cấp 50% cho vận phí đường sắt giữa Trung Quốc và châu Âu. Đến năm nay lượng trợ cấp giảm xuống 40% và dự kiến đến năm 2020 chỉ còn 30%. Theo kế hoạch, tới năm 2020 trợ cấp này sẽ chấm dứt hoàn toàn.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng nhiệt tình hỗ trợ ngành đường sắt. Thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây sẵn sàng chi 3.000 USD cho mỗi container đến châu Âu trong năm 2018. Hai nhà nghiên cứu Trung Quốc trong năm 2018 phát hiện chính quyền địa phương trợ cấp tới 7.500 USD cho mỗi container hàng hóa bản địa và 4.000 USD cho container chứa hàng hóa từ tỉnh khác. Điều này dẫn tới cạnh tranh khốc liệt giữa các tỉnh.

Ông Jonathan Hillman tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ nhận định rằng vấn đề của những container bỏ không liên quan tới việc “Vành đai, Con đường tập trung vào lợi ích chính trị ngắn hạn mà quên mất nền tảng kinh tế lâu dài”. “Vành đai, Con đường” là sáng kiến nhằm kết nối mạng lưới thương mại của Trung Quốc với toàn cầu.

Tuyến đường sắt đầu tiên nối giữa Trung Quốc và châu Âu được phát triển từ năm 2011 với một đầu là Trùng Khánh và đầu còn lại là Duisburg (Đức). Tuyến đường sắt này dài 11.179 km và đi qua Kazakhstan, Nga, Belarus và Ba Lan.

Theo Ủy ban châu Âu, trong năm 2018, ngành đường sắt chỉ đảm nhận 1,3% về khối lượng trong mậu dịch giữa Trung Quốc và liên minh châu Âu. Vận tải bằng đường biển chiếm lĩnh với 90% khối lượng và ngành vận tải hàng không chiếm 2%.

Hà Linh/Báo Tin tức
Sa thạch lở từ vách đá suýt đoạt mạng hàng chục người chèo thuyền
Sa thạch lở từ vách đá suýt đoạt mạng hàng chục người chèo thuyền

Sa thạch từ trên một vách đá cao 61 m tại Mỹ đã rơi thẳng xuống hồ suýt cướp đi mạng sống của 18 người chèo thuyền ngay bên dưới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN