Hàn Quốc đã hoàn thiện mạng liên lạc 24/24h giữa các đơn vị gồm cảnh sát, cứu hỏa và chính quyền địa phương vào năm 2021, cho phép các cơ quan này tham gia các cuộc gọi nhóm để cùng phản ứng nhanh chóng khi xảy ra tình huống khẩn cấp. Mạng lưới này ra đời sau thảm họa chìm phà năm 2014 khiến 304 người thiệt mạng.
Phát biểu với các phóng viên, Bộ trưởng điều phối chính sách Chính phủ Hàn Quốc Bang Moon-kyu cho rằng nên tiến hành cuộc điều tra về việc mạng lưới liên lạc trong thảm hỏa đã không được sử dụng hiệu quả trong thảm họa Itaewon. Quan chức cấp cao của Bộ Nội vụ Hàn Quốc phụ trách xử lý các thảm họa, Kim Sung-ho, cũng xác nhận mạng liên lạc liên ngành không hoạt động trong đêm xảy ra thảm họa giẫm đạp. Các nhóm mặc định thuộc mạng lưới đã không được kết nối và tham gia các cuộc gọi như thiết kế.
Cũng trong ngày 4/11, các quan chức thủ đô Seoul cũng cho biết chính quyền thành phố sẽ tiến thành kiểm tra an toàn tại tất cả các khu vực đông dân cư. Đây là một phần trong các biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra các sự cố đám đông giống như thảm họa đêm Halloween tại phố Itaewon.
Một số khu vực trong đó có phố giải trí nổi tiếng gần ga Gangnam ở phía Nam Seoul và các con phố Hongdae và Sinchon lần lượt gần Đại học Hongik và Đại học Yonsei, những khu vực nổi tiếng với các quán bar và nhà hàng dành cho giới trẻ.
Đáng chú ý, chính quyền thành phố sẽ kiểm tra cả các tòa nhà xây dựng chưa được cấp phép trong khu vực sau khi có nhiều ý kiến cho rằng vì khách sạn Hamilton - nằm cạnh con hẻm xảy ra thảm họa, cơi nới bất hợp pháp nên con hẻm vốn chật lại càng chật hơn. Ngoài ra, các ga tàu điện ngầm đông đúc nhất tại thành phố như Sindorim và Sadang cũng thuộc diện kiểm tra an toàn. Một số tuyến thuộc hệ thống tàu điện ở Seoul bị coi như "địa ngục" do các ga và tàu luôn chật cứng người vào các khung giờ cao điểm.
Thảm họa đêm 29/10 tại phố Iteawon đã khiến ít nhất 156 người thiệt mạng, tổng cộng 191 người bị thương, trong đó có 33 người bị thương nghiêm trọng.