Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, các nguồn tin an ninh cho biết cảnh sát đã bắt giữ những đối tượng trên trong các chiến dịch truy quét diễn ra đồng thời tại 54 địa điểm thuộc 24 quận ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo cảnh sát, những đối tượng này đã sử dụng ByLock, một ứng dụng nhắn tin đã được mã hóa và được cho là phương tiện liên lạc giữa những người thuộc mạng lưới của ông Gulen, cũng như tham gia các hoạt động đào tạo và huấn luyện của mạng lưới này.
Cũng chính nhờ giải mã được phần mềm ByLock mà Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã xác minh được hàng nghìn người bị coi là "điệp viên ngầm" của giáo sĩ Gulen. Ngoài ra, cũng trong đợt truy quét trên, lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã thu giữ được nhiều tài liệu và các thiết bị kỹ thuật số liên quan đến hoạt động của mạng lưới ủng hộ giáo sĩ Gulen.
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, hãng thông tấn nhà nước Anadolu đưa tin chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh bắt giữ 61 binh sĩ thuộc các lực lượng lục quân và hải quân, trong đó có các sĩ quan cấp cao, vì bị tình nghi có liên quan tới giáo sĩ Gulen.
Thống kê của Liên hợp quốc (LHQ) công bố hồi tháng 3 vừa qua cho biết kể từ khi nổ ra cuộc đảo chính bất thành hôm 15/7/2016, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ 160.000 đối tượng tình nghi liên quan, trong đó hơn 50.000 người đã chính thức bị buộc tội và đang bị giam giữ để phục vụ điều tra.
Ngoài ra, hơn 150.000 người bị sa thải hoặc đình chỉ công tác, trong đó có nhiều tướng lĩnh, cảnh sát, viên chức. Chính quyền Ankara khẳng định việc bắt giữ và sa thải những đối tượng liên quan là cần thiết để loại bỏ sự xâm nhập của mạng lưới do giáo sĩ Gulen đứng đầu vào các cơ quan của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, giáo sĩ Gulen luôn bác bỏ cáo buộc đứng sau vụ đảo chính năm 2016.