Với chủ đề "Hướng tới một Cộng đồng tự cường và sáng tạo," Đại hội có sự tham dự của hơn 350 đại biểu đến từ các Quốc hội thành viên và các nước quan sát viên cùng Ban Thư ký ASEAN, các nghị sĩ từ Maroc và Na Uy - với tư cách là khách mời của nước chủ nhà. Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ dẫn đầu đã tham dự Đại hội.
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Singapore Tiêu Chí Hiền nhấn mạnh rằng để xây dựng Cộng đồng ASEAN bền vững và sáng tạo, cũng là chủ đề của Chủ tịch ASEAN trong năm nay thì AIPA cần có tiếng nói tập trung vào "4C", đó là "đoàn kết, liên kết, sáng tạo và thích ứng với biến đổi khí hậu".
Phó Thủ tướng Tiêu Chí Hiền khẳng định các cơ chế do ASEAN dẫn đầu là nền tảng quan trọng cho các nước trong khu vực, nhất là trong bối cảnh địa chính trị ngày càng phức tạp với những thách thức an ninh phi truyền thống và xuyên quốc gia như khủng bố, chủ nghĩa cực đoan bạo lực, tội phạm mạng cùng với chủ nghĩa bảo hộ đang đe dọa tới trật tự chính trị và kinh tế toàn cầu. Chính vì vậy, AIPA đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự đoàn kết và hợp tác trong khu vực để giúp tăng cường khả năng phục hồi của ASEAN đối với các thách thức an ninh đang nổi lên.
Bên cạnh đó, là đại diện của nhân dân, các nghị sĩ AIPA có vai trò quan trọng trong việc giúp người dân các nước hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc tạo lập một ASEAN liên kết chặt chẽ hơn cũng như thúc đẩy thị trường tự do và cởi mở.
Mặt khác, theo Phó Thủ tướng Tiêu Chí Hiền, các nghị sĩ AIPA cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy áp dụng công nghệ mới trong các doanh nghiệp, tận dụng làn sóng cuộc cách mạng công nghệ 4.0 nhằm xây dựng mạng lưới các thành phố thông minh phục vụ cho lợi ích của người dân. Đặc biệt, với vai trò là cầu nối giữa người dân và chính phủ, AIPA cần thúc đẩy các nhà lãnh đạo khuyến khích tăng trưởng bền vững và tạo lập các hệ sinh thái nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, giảm thiểu những rủi ro của thảm họa thiên nhiên lên đời sống con người.
Là Chủ tịch Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 39, Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin cho biết Singapore sẽ nỗ lực hết sức mình đóng góp tích cực vào sự hiểu biết lẫn nhau và xây dựng lòng tin giữa các thành viên AIPA, tạo nền tảng quan trọng để thúc đẩy hợp tác nhằm xây dựng một ASEAN bền vững hơn, sáng tạo hơn và phục vụ tốt nhất cho người dân.
Phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể thứ nhất, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Đỗ Bá Tỵ khẳng định Quốc hội Việt Nam đã, đang và sẽ chủ động, tích cực tham gia có trách nhiệm vào các hoạt động của AIPA, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN ổn định và phát triển bền vững đồng thời nhấn mạnh rằng trong tình hình hiện nay AIPA cần tiếp tục đề cao những quy tắc, chuẩn mực ứng xử của ASEAN, tuân thủ luật pháp quốc tế, đoàn kết, thống nhất chung tay gìn giữ hòa bình, an ninh; chú trọng xây dựng lòng tin, ngăn ngừa mọi nguy cơ xung đột ở khu vực, tích cực triển khai các cam kết trong ASEAN.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng AIPA cần tạo thuận lợi triển khai các chương trình nghị sự hợp tác trong ASEAN trên mọi lĩnh vực, đặc biệt chú trọng các lĩnh vực công nghệ cao, kỹ thuật số, ứng phó các vấn đề an ninh phi truyền thống như đã được các nhà lãnh đạo cấp cao của ASEAN thông qua tháng 4 vừa qua.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị AIPA thúc đẩy vai trò giám sát của các Nghị viện đối với triển khai thực hiện các Kế hoạch tổng thể của ASEAN trên cả 3 trụ cột, chính trị, kinh tế và văn hóa-xã hội; phát huy sự hỗ trợ, phối hợp giữa các nước thành viên trong phát triển kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao đời sống của người dân, ứng phó với biến đổi hậu, bảo vệ môi trường, an ninh năng lượng và nguồn nước...
* Trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 39 (AIPA-39), chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đã có các cuộc gặp song phương với Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou, Phó Chủ tịch Thượng viện Campuchia Tep Ngorn và Phó Chủ tịch thứ nhất Hạ viện Maroc Abdelaziz Omari.
Tại buổi tiếp Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou, hai bên nhất trí tăng cường giám sát và tạo điều kiện cho các dự án hợp tác đầu tư của hai nước, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của mỗi nước; ủng hộ những thay đổi, bổ sung cần thiết về cơ chế, chính sách pháp luật nhằm đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư giữa hai nước. Hai bên cũng sẽ kịp thời thông tin, phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế, khu vực, cũng như các cơ chế tiểu vùng; làm sâu sắc hơn tiến trình hợp tác, liên kết của Cộng đồng ASEAN, tăng cường đoàn kết, vai trò trung tâm của ASEAN và duy trì tiếng nói chung của ASEAN trong các vấn đề chiến lược của khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Thời gian tới, hai bên sẽ phối hợp triển khai Bản Ghi nhớ về công trình Nhà Quốc hội Lào để đảm bảo chất lượng và tiến độ của dự án rất quan trọng này.
Phát biểu tại buổi gặp Phó Chủ tịch Thượng viện Campuchia Ngorn Tep, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ mong rằng hai bên sẽ cùng nhau triển khai có hiệu quả Thỏa thuận hợp tác đã ký giữa hai Quốc hội, tăng cường hơn nữa công tác giám sát và thúc đẩy việc triển khai các Hiệp định, Thỏa thuận hợp tác giữa hai Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương hai nước nhất là tại khu vực tam giác phát triển C-L-V cũng như hợp tác chặt chẽ và có tiếng nói ủng hộ lập trường của nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Phó Chủ tịch Quốc hội mong rằng Quốc hội Campuchia khóa VI tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Quốc hội Việt Nam trong việc thúc đẩy Chính phủ hai nước ký Hiệp ước mới bổ sung cho Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam-Campuchia ký năm 1985 và 2005, để có thể sớm pháp lý hóa thành quả 84% khối lượng phân giới cắm mốc đã đạt được và sớm hoàn tất công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền giữa hai nước cũng như sớm giải quyết giấy tờ pháp lý để người Khmer gốc Việt an tâm, sống ổn định lâu dài ở Campuchia, đóng góp tích cực vào sự phát triển thịnh vượng của Campuchia cũng như quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Tại cuộc gặp Phó Chủ tịch thứ nhất Hạ viện Maroc Abdelaziz Omarihai, hai bên nhất trí tiếp tục phát huy cơ chế phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương như IPU, APF và các tổ chức nghị viện đa phương khác; phối hợp rà soát, giám sát việc thực hiện các hiệp định và thỏa thuận đã ký kết giữa Chính phủ và các Bộ ngành hai nước, để những hiệp định này được triển khai đồng bộ, mang lại hiệu quả và lợi ích thiết thực cho cả hai nước. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đã chuyển lời thăm hỏi của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến Ngài Chủ tịch Hạ viện Maroc đồng thời cho biết Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhận được thư mời của Ngài Chủ tịch Hạ viện và sẽ triển khai chuyến thăm Maroc vào thời điểm thích hợp.