Trả lời tờ Korea Times, Jeong-myeong nói: “Họ hàng lớn tuổi sẽ bắt đầu hỏi kế hoạch sự nghiệp tương lai của tôi, chỉ làm cho tôi thêm căng thẳng chuyện công việc. Rồi bố mẹ tôi thế nào cũng sẽ giục tôi kết hôn. Tôi hy vọng năm nay sẽ dễ chịu hơn vì tôi có thể lấy cớ đi nghĩa vụ quân sự để tránh những câu hỏi kiểu đó”.
Những thanh niên Hàn Quốc như Jeong-myeong ngày càng ngại các cuộc gặp gỡ họ hàng thường diễn ra vào Tết Nguyên đán và Tết Trung thu.
Theo khảo sát chung của cổng thông tin việc làm Job Korea và Albamon, cứ 10 người Hàn Quốc thì có 6 người cho biết họ muốn bỏ các cuộc tụ họp gia đình và nghỉ Tết Nguyên đán một mình.
Con số này không hề gây ngạc nhiên. Từ quan điểm của người trẻ, họ thấy việc gặp gỡ, nói chuyện với họ hàng hàng năm hiếm khi thoải mái. Thứ nhất, khoảng cách thế hệ ngày một xa. Thứ hai, tại các cuộc gặp như vậy, không thể tránh khỏi bị hỏi về sự nghiệp, quá trình tìm việc làm hay chuyện cá nhân.
Những câu hỏi như vậy thường mang giọng điệu bề trên dạy bảo, khiến người trẻ cảm thấy càng không thoải mái, nhất là khi họ đang vất vả tìm việc trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ lên tới 9,5%.
Hiếm ai nhận được lời khuyên bảo nào hữu ích từ họ hàng lớn tuổi. Những họ hàng này thậm chí còn thiếu nhạy cảm khi công khai so sánh thành công, thất bại của các thành viên gia đình với nhau.
Trong thực tế, trên 1/3 người tham gia khảo sát ghét nhất khi bị hỏi những câu kiểu như: Kế hoạch tương lai của cháu là gì?, Khi nào cháu có việc?... Họ cũng ghét nhất những câu nói bề trên như “Khi bác bằng tuổi cháu…” hay “Chúng ta nói thế chỉ vì cháu thôi”.
Tuy nhiên, truyền thống tụ họp gia đình, họ hàng ngày Tết là khó tránh khỏi. 57% trong tổng số 3.390 người được hỏi cho biết họ vẫn sẽ tham gia các cuộc gặp như vậy.