Đặc biệt, số trường hợp tử vong giảm từ bình quân 0,7 người/ngày xuống 0,2 người/ngày, giảm tới 71,4%. Số người bị thương giảm còn bình quân 43,3 người/ngày, giảm 33,9% so với trước khi luật sửa đổi có hiệu lực. Số trường hợp uống rượu lái xe ghi nhận được là bình quân 296 vụ/ngày, giảm 11,4% so với con số 334 vụ/ngày trước đó.
Cơ quan Cảnh sát Hàn Quốc đánh giá các vụ tai nạn do uống rượu lái xe đang có xu hướng giảm ở phần lớn các địa phương trên toàn quốc. Đặc biệt, tại thành phố Gwangju, số vụ tai nạn đã giảm tới 53,3%, tại tỉnh Bắc Chungcheong giảm 50%.
Luật Giao thông đường bộ sửa đổi có nội dung chính là siết chặt tiêu chuẩn giám sát hành vi uống rượu lái xe. Trước đây, nếu nồng độ cồn trong máu của tài xế trên 0,05% thì sẽ bị treo bằng lái. Nhưng sau khi luật mới có hiệu lực, tiêu chí xử phạt là nồng độ cồn trên 0,03%. Tiêu chí hủy bằng lái là nồng độ cồn trên 0,08%, thay vì 0,1% như trước đó.
Mặt khác, Viện Kiểm sát Hàn Quốc cũng quyết định siết chặt tiêu chuẩn kết án trong các vụ tai nạn do tài xế uống rượu lái xe gây ra, nâng mức án phạt cao nhất lên thành tù chung thân. Nếu lái xe có nồng độ cồn trong máu trên 0,08% rồi lái xe đâm chết người, hoặc gây thương tích nặng thì Viện Kiểm sát sẽ tiến hành điều tra bắt giam.
Đặc biệt, Viện Kiểm sát Hàn Quốc sẽ đệ trình Tòa án nước này ban hành lệnh bắt giam đối với tất cả các trường hợp uống rượu lái xe đâm chết người rồi bỏ trốn. Ngoài ra, Viện Kiểm sát cũng tăng mức xử phạt các lái xe bị phát hiện uống rượu lái xe trên hai lần trong 10 năm.
Tên gọi “Yoon Chang-ho” bắt nguồn từ vụ tai nạn giao thông do hành vi uống rượu lái xe gây ra vào tháng 9/2018, tại thành phố Busan. Khi đó, một binh sĩ tên là Yoon Chang-ho, đang trong thời gian nghỉ phép, đã bị một chiếc xe ô tô đâm phải, dẫn tới tử vong khi tuổi đời mới 22. Nguyên nhân là do lái xe đã điều khiển phương tiện trong tình trạng say xỉn.
Nhiều người Hàn Quốc hay uống, thích uống rượu bia khi gặp gỡ, giao lưu với bạn bè. Thậm chí, nhiều phụ nữ Hàn Quốc cũng uống rượu bia không kém cạnh nam giới. Tuy nhiên, họ xác định rằng đã đi uống rượu bia là không lái xe mà sử dụng các phương tiện giao thông công cộng như taxi, xe buýt hay tàu điện ngầm. Nếu ai đó lỡ lái xe ô tô đến quán ăn và uống rượu bia, họ sẽ gọi dịch vụ thuê lái xe chở về nhà bằng chính chiếc xe của mình cho an toàn và không sợ bị cảnh sát thổi phạt. Dịch vụ này khá phổ biến ở “xứ sở kim chi”.