Không cần thành tựu, giới trẻ Hàn Quốc tìm đến 'làng không muộn phiền'

Vượt qua quan niệm người trẻ phải đạt được thành tựu trong sự nghiệp, nhiều người Hàn Quốc đã tìm đến "làng không muộn phiền" để tìm kiếm hạnh phúc, giải tỏa áp lực cuộc sống.

Chú thích ảnh
Người trẻ Hàn Quốc đã tìm đến "làng không muộn phiền" để tìm kiếm hạnh phúc, giải tỏa áp lực. Ảnh: BBC

Kim Ri-Oh là một phóng viên ảnh cho một tạp chí ở Seoul, cô luôn nỗ lực để trở thành một nhân viên ưu tú nhất. Cô đã dành nhiều thời gian để cống hiến cho công việc với những ngày cuối tuần bận rộn và những ca làm thêm kéo dài luôn kết thúc sau 11 giờ đêm. Tuy nhiên, sau 2 năm làm việc tại công ty, Kim phát hiện ra mình được trả lương ít hơn so với một đồng nghiệp nam mới vào.

“Tôi không còn đam mê với công việc. Cái chết luôn ám ảnh tâm trí tôi. Tôi đã tốt nghiệp trung học, học đại học và có được một công việc ổn định được gia đình chấp thuận, nhưng mọi thứ dường như không có ý nghĩa gì với tôi. Đây là cuộc sống của tôi, nhưng tôi không thể tìm thấy chính mình ở trong đó”, Kim chia sẻ.

Không chỉ Kim mà rất nhiều người trẻ Hàn Quốc đã phải trải qua cảm giác vỡ mộng tương tự, họ đang dần buông bỏ quan niệm truyền thống về “sự nghiệp thành công” và trách nhiệm xã hội. Chính bởi vậy, một số dự án như "Làng không muộn phiền" và "tiệm gặp gỡ" đã mọc lên để hỗ trợ họ.

Kim hiện tại 26 tuổi và đang làm việc cho dự án “Làng không muộn phiền”. Nằm tại thảnh phố cảng Mokpo, phía Tây Nam Hàn Quốc, ngôi làng này được thành lập năm 2018 với sự hỗ trợ của chính phủ nhằm phục hồi các tòa nhà bỏ hoang, không sử dụng thành nhà hàng, các quán cà phê, trưng bày tác phẩm nghệ thuật và sản xuất phim tài liệu giúp giải tỏa áp lực cho giới trẻ. Khẩu hiệu của ngôi làng là: “Hãy nghỉ ngơi. Thất bại cũng không sao!”.

Chú thích ảnh
Người đồng sáng lập "Làng không muộn phiền" Park Myung-Ho cho biết những người trẻ Hàn Quốc đang tìm kiếm niềm hạnh phúc vượt ra ngoài thành công vật chất. Ảnh: BBC

Park Myung Ho (33 tuổi), người đồng sáng lập dự án với Hong Dong-Woo (34 tuổi) cho biết mong muốn của ngôi làng là mọi người  được thể hiện những khoảnh khắc hạnh phúc nhỏ nhoi.

“Thay vì những ám ảnh về những thành tựu lớn lao, những người Hàn Quốc đang tìm kiếm những điều hạnh phúc bình dị. Cho dù chỉ là việc thưởng thức một miếng bánh phô mai tại tiệm bánh quen thuộc, viết một bài hát hay một cuốn sách, những điều dù chỉ rất nhỏ nhưng đó hoàn toàn là của bạn”, anh Park nói.

Ông Yoon Duk-Hwan, đồng tác giả cuốn “Xu hướng Hàn Quốc 2019, giải thích rằng Hàn Quốc có truyền thống xoay quanh nền văn hóa “tụ họp”. Các cuộc họp lớp hàng năm là một ví dụ điển hình khi đời tư của mọi người đều được chia sẻ từ chuyện đính hôn, kết hôn, thất nghiệp hay đang đi làm.

“Ngày càng nhiều người trẻ Hàn Quốc không tham gia những cuộc tụ họp như vậy nữa. Họ nhận ra mình có thể có một cuộc sống xã hội mà không gắn với những vòng tròn xã giao cũ. Chính bởi vậy, các dự án như “Làng không muộn phiền” hay những “tiệm gặp gỡ” là những điểm đến thay thế cho họ”, ông Yoon nói.

Chú thích ảnh
“Tiệm gặp gỡ” Chwihyangwan đầu tiên của Hàn Quốc khai trương năm 2018. Ảnh: BBC

Go Ji-Hyun đã khai trương “tiệm gặp gỡ” Chwihyangwan đầu tiên của Hàn Quốc vào năm 2018. Nội thất trong quán được thiết kế giống như một khách sạn phong cách cổ điển. Đây được coi là một không gian tụ tập lý tưởng để mọi người có thể gặp gỡ, trao đổi và trò chuyện.

“Người Hàn Quốc không có thói quen trò chuyện cùng nhau vì họ sợ bị xâm phạm, đặc biệt là với người lạ. Khi tôi mới mở quán, câu mà tôi hay được khách hỏi nhất là làm thế nào để tôi có thể nói chuyện với một người lạ?”, cô Go chia sẻ.

Tại đây, cứ 3 tháng một lần, các chủ đề mới được đưa ra bàn luận. Mọi người có thể tham gia hội thảo kín, đọc sách đêm, làm sổ lưu niệm, xem phim, nói chuyện và tự do trao đổi ý tưởng trong tiệm gặp gỡ. 

Tại “tiệm gặp gỡ” Chwihyangwan, các thành viên được phép gọi nhau bằng biệt danh, không tiết lộ tên thật hoặc nghề nghiệp, xóa bỏ định kiến người Hàn Quốc trẻ tuổi phải đạt được những thành tựu nhất định trong cuộc sống

“Thông thường, người Hàn Quốc giao tiếp với nhau dựa trên tuổi, nghề nghiệp, cấp bậc. Tuy nhiên, tại đây, mọi người chỉ biết đến nhau qua quan điểm cá nhân. Hiếm khi bạn có thể gặp gỡ mọi người theo cách như vậy ở Hàn Quốc”, cô Go cho biết.

Thành viên của tiệm gặp gỡ Chwihyangwan phải trả phí 1.000 USD cho mỗi tháng cho các dịch vụ, trong khi đó cư dân của “Làng không muộn phiền” sẽ phải trả một khoản phí 430 USD. Những khoản tiền này được cho là rất lớn đối với những người trẻ thu nhập thấp, họ không thể tham gia nếu không có tiền. 

Trong khi đó, giới trẻ Hàn Quốc được đánh giá đang ở mức độ trầm cảm cao chưa từng thấy. Theo Dịch vụ Đánh giá Bảo hiểm Y tế, số người Hàn Quốc trong độ tuổi 20 được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm đã tăng gần gấp đôi trong 5 năm qua. 

Ha Ji-Hyun, bác sĩ tâm lý và giáo sư tại Trung tâm y tế Đại học Konkuk ở Seoul cho biết những cộng đồng như “tiệm gặp gỡ” chỉ có thể được coi là không gian dành cho những người cô đơn có điều kiện tài chính. Nhóm còn lại ít tiền có thể rơi vào trầm cảm và bị cô lập.

Tuy nhiên, với tỷ lệ 82% thanh niên Hàn Quốc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, ngày càng có nhiều người Hàn Quốc đến từ các gia đình có thu nhập thấp có cơ hội tương tác xã hội.

Chú thích ảnh
Nhiều người trẻ Hàn Quốc đến từ các gia đình thu nhập thấp có cơ hội tương tác xã hội. Ảnh: Getty Images

Trong trường hợp của Kim Ri-Oh, sự phân chia giới tính ảnh hưởng đến tiền lương trong công việc là chất xúc tác khiến cô nhận ra mọi mặt của vấn đề, bên cạnh áp lực  làm thêm giờ. 

“Không ai nói gì về sự chênh lệch lương đó và dường như tôi không thể thay đổi mọi thứ, vì vậy tôi đã rời đi. Tôi nhận ra mình không cần phải chịu đựng điều như thế này thêm nữa”, cô chia sẻ.

Chính phủ Hàn Quốc cũng đã chú ý đến thực tế nghiệt ngã này. Năm 2018, Quốc hội đã thông qua luật cắt giảm đáng kể số giờ làm việc hàng tuần từ 68 xuống 52 giờ với hy vọng cải thiện mức sống cho người dân.

Tuy nhiên, sự thay đổi này dường như vẫn chưa cải thiện được vấn đề. Tỷ lệ nghỉ việc chỉ sau 1 năm làm việc tại các công ty lên tới đỉnh điểm 28% trong năm 2018, phá vỡ quan niệm truyền thống của Hàn Quốc về “nơi làm việc suốt đời”.

Giới trẻ Hàn Quốc hiểu rằng để thành công, không nhất thiết phải chịu đựng áp lực quá mức và nhiều người đang thay đổi cách suy nghĩ của chính mình. 

Hải Vân/Báo Tin tức
YouTuber, nghề ‘hot’ trong giới trẻ Hàn Quốc
YouTuber, nghề ‘hot’ trong giới trẻ Hàn Quốc

Số lượng các YouTuber, chỉ những người sáng tạo nội dung và đăng clip chuyên nghiệp lên YouTube, đang gia tăng liên tục tại Hàn Quốc. Youtuber là một trong những nghề top đầu đang tạo ra xu hướng nghề nghiệp mới cho giới tuổi teen ở quốc gia này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN