Trào lưu ‘kiếm bao nhiêu, tiêu bấy nhiêu’ của giới trẻ Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, thuật ngữ “shibal biyoung” dùng để chỉ khoản chi tiêu đáng nhẽ ra không xuất hiện nếu như người tiêu dùng không cảm thấy stress.

Chú thích ảnh
Người trẻ tập trung kín tại khu mua sắm Myeongdong, Seoul (Hàn Quốc). Ảnh: Getty Images

Năm 2017, giới trẻ toàn thế giới chỉ trích triệu phú người Australia vì đã quở trách họ “tiêu 40 USD/ngày  (928 nghìn đồng) cho đồ uống bơ dầm và cà phê” trong khi vẫn ôm mộng mua nhà.

Nhưng ở đâu đó Hàn Quốc, vẫn tồn tại một thế hệ những người trẻ tuổi “nổi loạn”, những người coi chi tiêu phù phiếm – như đi taxi hay thưởng thức một bữa ăn sushi đắt tiền – là một cách để họ sống sót khỏi những áp lực về tâm lý.

Theo Foreign Policy, tạm dịch là ‘chi tiêu mặc kệ tất cả”, thuật ngữ shibal biyoung là từ ghép kết hợp giữa “shibal” (ngôn ngữ chửi thề thể hiện sự tức giận) và “biyong” (chi tiêu). Thuật ngữ này xuất hiện vào cuối năm 2016, từ một dòng trạng thái Twitter ám chỉ “khoản chi tiêu đáng nhẽ tôi không nên có nếu như tôi không bị stress”. 

Shibal biyong là khoản chi tiêu không cần thiết nhưng có thể giúp bạn vượt qua một ngày tồi tệ. Đó có thể là 20 USD cho một chuyến đi taxi về nhà thay vì tàu điện ngầm sau khi bạn không được thăng chức hay một bữa ăn sushi đắt tiền sau khi bị sếp mắng mỏ.

Thuật ngữ này ám chỉ bạn có thể tự làm bản thân vui vẻ trong trường hợp các mục tiêu dài hạn quá xa vời, hay những khi đang thất vọng. Hãy mua chiếc áo khoác đẹp đẽ đó, vì bạn sẽ không bao giờ mua được nhà. Hãy ăn bữa bít tết đó, vì bạn không bao giờ tiết kiệm đủ để nghỉ hưu.

Shibal biyong không phải tự dưng xuất hiện. Thuật ngữ này ra đời cùng lúc với những thuật ngữ khác như geumsujeo (ngậm thìa vàng) và hell Joseon (Hàn Quốc địa ngục). Chúng đều thể hiện sự bất mãn của một thế hệ người Hàn Quốc cảm thấy cuộc sống hiện tại của họ quá bất công, mệt mỏi vì dường như xã hội chỉ đem lại lợi ích cho người giàu.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc Statistics Korea, trong năm 2015, cứ 10 người trẻ tuổi thì có đến 7 người tin rằng sự bất bình đẳng là một vấn đề nghiêm trọng của xã hội. Trong các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ 31 trong tổng số 36 nước khi xét về sự bất bình đẳng thu nhập.

Năm 2018, tình trạng thất nghiệp đối với người trẻ chạm mốc cao nhất kể từ năm 1999, sau cuộc khủng hoảng tài chính làm rung chuyển châu Á năm 1997. Một phần nguyên nhân dẫn tới các vấn đề này xuất phát từ những tập đoàn gia đình tài phiệt Chaebol của Hàn Quốc – nhóm người thâu tóm phần lớn nền kinh tế quốc gia và bóp nghẹt các doanh nghiệp, khiến những người trẻ Hàn Quốc phải ra sức cạnh tranh để bước vào thị trường việc làm bị phân cấp và chuyên quyền từ các đế chế Chaebol.

Sự bất bình đẳng thu nhập và niềm tuyệt vọng về kinh tế đã tác động rất lớn đến sức khỏe thần kinh người Hàn Quốc. Gần một nửa số vụ tử vong trong độ tuổi 20 tại quốc gia này nguyên do là tự tử. 

Theo một cuộc khảo sát thực hiện năm 2017, số tiền lớn nhất mà một người Hàn Quốc thường bỏ ra cho một khoản chi tiêu shibal biyong là 90 USD (2 triệu đồng). Tỷ lệ tăng trong chi tiêu của nhóm người thuộc thế hệ Millennial (những người sinh ra trong giai đoạn từ đầu thập niên 1980 đến giữa thập niên1990) – gấp hai lần so với tỷ lệ của thế hệ Baby Boomer (những người sinh trong giai đoạn từ 1950 – 1969).

Nếu như những đứa trẻ thuộc thế hệ Millennial tại Hàn Quốc đang bị coi là phung phí tiền, thì không phải do họ không nhận thức rõ về thực tế. Ngược lại, đối với nhiều người trong số đó, tiêu dùng ngắn hạn trở thành một sự lựa chọn hợp lý nhằm tối đa hóa tiện ích của đồng tiền dựa trên đánh giá thực tế về tương lai. 

Trong một cuộc khảo sát năm 2018 của Viện Chính sách Thanh niên Quốc gia, 46% người trẻ Hàn Quốc tin rằng việc mua được một ngôi nhà hoặc “hơn 20 năm nữa mới thành hiện thực” hoặc “không bao giờ sở hữu được”.

Tại khu vực đô thị Seoul, nơi gần một nửa dân số sinh sống, giá nhà đã cao ngang ngữa giá nhà tại thành phố New York xa hoa ở Mỹ, trong khi lương trung bình của hai nước hoàn toàn cách biệt.

Nhiều thanh niên thuộc thế hệ Millennial cũng bắt đầu không lựa chọn các phương án đầu tư truyền thống, như trái phiếu, cổ tức, vì họ nghĩ họ không thể tiết kiệm đủ hoặc tiền lãi cũng không là gì so với giá cả tăng nhanh một cách chóng mặt trong xã hội.

“Shibal biyong và tangjinjaem (niềm vui hoang phí) là ví dụ chi tiêu cá nhân điển hình phản ánh trước các vấn đề xã hội. Không giống như trong quá khứ, khi tiết kiệm không thể đảm bảo một tương lai, ý tưởng đầu tư cho hiện tại thay vì tương lai là một sự lựa chọn phổ biến hơn”, Alex Taek-Gwang Lee – Giáo sư tại Đại học Kyung Hee (Seoul), nhận định. 

Mạng xã hội cũng là một yếu tố góp phần tạo nên làn sóng shibal biyong ở Hàn Quốc. Phần lớn người trẻ Hàn Quốc sử dụng các nền tảng xã hội như Instagram, Facebook, và KakaoTalk – nơi hoạt động chi tiêu hoang phí và chi tiêu “mặc kệ đời” được ủng hộ. 

Thay vì chỉ trích cả một thế hệ là “tự nuông chiều bản thân”, các nhà hoạch định chính sách cần phải nghiêm túc xem xét và giải quyết nỗi lo của thế hệ Millennial. Năm 2018, Ngân hàng Hàn Quốc báo cáo trong số nhóm người độ tuổi lao động, những người trong độ tuổi 20 bị đánh giá điểm thấp nhất về “thái độ và hành vi tài chính” – ít nhất là trong hạng mục tiết kiệm tài chính, mặc dù họ có trình độ cao nhất về kiến thức tài chính. Ngân hàng gợi ý chính phủ nên áp dụng các chính sách nhằm “nuôi dưỡng những giá trị đích thực, trong bối cảnh giới trẻ ngày nay tập trung quá nhiều vào việc hưởng thụ”.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Hàn Quốc sẽ không còn trường học ‘con nhà giàu’
Hàn Quốc sẽ không còn trường học ‘con nhà giàu’

Bộ Giáo dục Hàn Quốc ngày 7/11 thông báo quyết định bãi bỏ các trường học dành cho con nhà khá giả, giới tinh anh trên toàn quốc vào tháng 3/2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN