Theo báo Korea Herald, động thái này được cho là một phần nỗ lực cải thiện tính công bằng trong hệ thống giáo dục tại Hàn Quốc.
“Từ năm 2025, các trường tư nhân, tư thục, các trường quốc tế và toàn cầu sẽ đồng loạt trở thành trường bình thường. Chúng tôi sẽ áp dụng hệ thống học bằng tín chỉ và giáo dục định hướng tương lai”, Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Yoo Eun-hae phát biểu tại một cuộc họp báo tổ chức ở Khu phức hợp chính quyền trung ương tại Seoul ngày 7/11.
“Tôi xem xét rất kỹ mối quan tâm của cộng đồng về sự chênh lệch trong giáo dục dẫn đến sự chênh lệch trong các tầng lớp xã hội. Chất lượng giáo dục tại các trường phổ thông trung học công lập sẽ được nâng cao với chương trình giảng dạy đa dạng và một hệ thống tín chỉ mới được áp dụng từ năm 2025”, Bộ trưởng Yoo nhấn mạnh.
Từ giờ đến năm 2024, các trường vẫn được phép giữ nguyên cơ chế và nhận học sinh mới. Bắt đầu từ tháng 3/2025, mặc dù vẫn được giữ lại tên và chương trình học nâng cao, các trường này sẽ tuyển học sinh giống phương thức các trường bình thường.
Hệ thống trường trung học phổ thông sẽ được đơn giản hóa, giáo dục bám sát nhu cầu của từng học sinh – trải đều trên các môn học từ nghệ thuật cho đến học nghề - đều sẽ xuất hiện trong chương trình học tại các trường bình thường. Cũng từ năm 2025, hệ thống học bằng tín chỉ sẽ được áp dụng. Học sinh có thể lựa chọn môn học mà các em muốn, giống như trên đại học.
Để cải thiện chất lượng của các trường học thông thường, 2.000 tỷ won từ ngân sách nhà nước sẽ được phân bổ trong giai đoạn 5 năm.
Quyết định thay đổi đáng kể trên được đưa ra trong bối cảnh liên tục có ý kiến cho rằng trường học con nhà giàu là tác nhân khiến khoảng cách trong giáo dục giữa những người có điều kiện và không có điều kiện ngày một rộng hơn.
Các trường học này ban đầu được hình thành nhằm đáp ứng nhu cầu của các gia đình muốn con cái có một môi trường giáo dục tốt hơn. Tuy nhiên sau này, nó bị chỉ trích giống một cánh cửa vào các trường đại học uy tín trong xã hội Hàn Quốc – nơi mà tấm bằng đại học là yếu tố quan trọng quyết định tương lai của một người, từ công việc cho tới đời sống hôn nhân.
Các nhà phê bình cũng chỉ ra rằng trường con nhà giàu sẽ càng chỉ làm gia tăng mức độ phân cấp giữa các trường, khích lệ sự cạnh tranh quá mức giữa học sinh và đẩu mạnh chi tiêu cho giáo dục tư nhân.
Học phí tại những ngôi trường tư này cao gấp 3 lần học phí trung bình. Phụ huynh cũng sẽ phải mất thêm số tiền gấp 1,4-1,7 lần để con mình được nhận vào học trường tư.
Tính đến tháng 4/2019, Hàn Quốc có tổng cộng 79 trường học “con nhà giàu”. Trong khi đó, số lượng trường bình thường là 1.555 trường với 1,1 triệu học sinh.
Quyết định của Bộ Giáo dục mặc dù nhận được sự ủng hộ của chính quyền các thành phố lớn, nhưng vấp phải sự phản đối từ các tổ chức giáo dục và những gia đình có con đang theo học tại các trường tư.
“Việc bãi bỏ các trường tư thục tự quản là được ngụy biện với lý do tìm kiếm sự công bằng”, Kim Chul-kyung - người đứng đầu Hiệp hội các hiệu trưởng trường tư - phát biểu trong một cuộc họp báo, “tổn thất từ chính sách vô trách nhiệm của chính phủ sẽ rơi xuống đầu học sinh và phụ huynh. Xung đột từ đó cũng tích tụ dần lên”.
Hiệp hội Liên đoàn giáo viên Hàn Quốc lại gọi quyết định này là một tuyên bố từ bỏ sự đa dạng trong giáo dục: “Nó không phù hợp với định hướng mà các nước tiên tiến đang theo đuổi - mở ra cơ hội giáo dục cho học sinh ở các cấp độ đa dạng và nâng cao phù hợp với năng lực và khả năng trong công nghiệp 4.0”.