Kim Jung-hyang, cô gái Triều Tiên 20 tuổi sang Hàn Quốc từ năm 2013 chưa từng đi học trường lớp nào ở Triều Tiên nên phải học thêm nhiều giờ để theo kịp các bạn ở Hàn Quốc. Cô gái trẻ ước mơ làm giáo viên và đang chuẩn bị vào học một trường đại học uy tín trong năm tới. Tất cả những điều này đã chẳng thể xảy ra nếu cô không quyết định vào học một trường học dành riêng cho những học sinh giống như mình. Jung-hyang trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Yonhap: “Tôi đã đến trường Yeomyung một phần do khó khăn về kinh tế. Ở đây có ký túc xá miễn phí, các bữa ăn miễn phí, cơ sở hạ tầng rất tốt”.
Nằm trên sườn núi Namsan ở trung tâm thủ đô Seoul, Yeomyung sẽ có 30 học sinh tốt nghiệp vào đầu năm tới. Chương trình học tập trung vào các môn học cơ bản như tiếng Hàn Quốc, tiếng Anh, toán, khoa học, lịch sử và các môn học quan trọng khác cần thiết cho kỳ thi đại học. Ngoài ra, sức khỏe và đời sống tâm lý của học sinh cũng được quan tâm.
Giáo viên nước ngoài nói chuyện với học sinh trong giờ học tiếng Anh tại trường Yeomyung. Ảnh: Yonhap |
Tuy nhiên, chương trình học không được áp dụng chung cho mọi học sinh mà thay đổi phù hợp theo từng nhóm học sinh. Lee Hye-won, giáo viên lịch sử tại trường Yeomyung, cho biết công tác giảng dạy đối với những người Triều Tiên cần khác so với giáo dục thông thường. Bà lưu ý rằng một giá trị khác mà các học sinh trong trường Yeomyung nhận được là sự chăm sóc “giống như cha mẹ” từ các giáo viên, giúp họ đảm bảo được việc học cũng như cuộc sống, và mối quan hệ “giống như gia đình” với các bạn học khác trong độ tuổi từ 17 - 27.
Nhu cầu các chương trình học kiểu này đang gia tăng, tỷ lệ thuận với số lượng người Triều Tiên cùng con cái sang Hàn Quốc. Theo Bộ Thống nhất phụ trách các vấn đề liên Triều, số lượng người từ Triều Tiên sang Hàn Quốc đã vượt mức 30.000 người vào cuối tháng 11 vừa qua. Mặc dù chưa có con số chính xác, ước tính số lượng người Triều Tiên ở độ tuổi đi học sang Hàn Quốc vào khoảng 3.500 người.
Những lý do quan trọng khác để những người Triều Tiên sang Hàn Quốc lựa chọn trường học kiểu như Yeomyung là để quen với những thách thức hàng ngày, những khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa xuất phát từ việc chia tách hàng thập kỷ của hai miền Triều Tiên.
Choi Mi-hin, một cô gái 25 tuổi đã sang Seoul từ giữa những năm 2000 và hiện làm việc tại một công ty ở Seoul, kể lại: “Tôi đã có quãng thời gian khó khăn hòa nhập với những học sinh Hàn Quốc khác vì tôi mới chỉ hoàn thành bậc tiểu học ở Triều Tiên. Những khác biệt văn hóa và ngôn ngữ khiến tôi không thể theo học một trường bình thường”.
Giáo dục được cho là một trong những cách hiệu quả nhất giúp người Triều Tiên hòa nhập với xã hội Hàn Quốc vì qua đó, họ tiếp thu những phong tục, ngôn ngữ và tất cả những thứ cần thiết ở độ tuổi còn trẻ. Mục tiêu là khiến những người Triều Tiên trở thành “một phần của Hàn Quốc”.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đồng hóa không phải là mục tiêu cơ bản của giáo dục. Điều quan trọng là xây dựng “bản sắc” của những người Triều Tiên, khiến họ tự hào với cuộc sống tại Hàn Quốc. Một quan chức chính phủ phụ trách các vấn đề liên Triều nhấn mạnh: “Tôi hy vọng rằng những học sinh từ Triều Tiên lớn lên với bản sắc riêng. Tôi muốn các em lớn lên và trở thành cầu nối tương lai khi hai miền Triều Tiên đoàn tụ”.