Những thanh niên “chuột túi” ở Hàn Quốc

Nuôi con cho tới khi nào? Đó là câu hỏi của nhiều bậc cha mẹ ở Hàn Quốc. Năm 2015, có tới 4,4% trên tổng 19,6 triệu hộ gia đình phải nuôi con ngay cả khi con cái đã kết hôn và có việc làm.

Trường hợp của bà Kim Soon - Ki (62 tuổi) là một ví dụ điển hình. Cứ ngỡ sau khi hai con tốt nghiệp đại học, bà Kim có thể sống cho bản thân. Ấy vậy mà 10 năm trôi qua, bà vẫn lận đận vì con cái, thậm chí còn có thêm phần trách nhiệm với những đứa cháu. 

Đứa con trai 37 tuổi của bà kết hôn từ năm 2005 nhưng đến nay vẫn sống trong nhà của bố mẹ. Ở cái tuổi đáng lẽ được nghỉ ngơi, bà Kim lại phải đi làm kiếm tiền vì con trai không đủ khả năng chi trả toàn bộ học phí cho đứa con 10 tuổi. Bà nhận công việc quét dọn vệ sinh tại một tòa nhà văn phòng ở Seoul với mức lương 1,5 triệu won (1.300 USD)/tháng. 

“Tôi không thể nghỉ việc vì con trai lương rất thấp lại còn không ổn định. Con dâu thì chỉ ở nhà làm nội trợ”, bà Kim tâm sự. Hơn một nửa tiền lương bà dùng để trả tiền học gia sư cho cháu, phần còn lại là dành cho chi phí sinh hoạt.

Nhiều người cao tuổi Hàn Quốc vẫn phải đi làm để hỗ trợ con cái về tài chính. Ảnh:Bloomberg

Không chỉ con trai bà Kim, rất nhiều người Hàn Quốc trong độ tuổi 20 - 30 dù không có việc làm ổn định nhưng vẫn lập gia đình và sống dựa dẫm vào bố mẹ. Các chuyên gia kinh tế cho rằng khi đã ngoài 30 tuổi, việc thay đổi cuộc sống của những người này là rất khó, do đó họ sẽ sống nhờ vào một phần thu nhập hoặc lương hưu của bố mẹ. Những người này bị gọi là “chuột túi” vì không chịu hoặc không thể rời “túi” của mẹ.

Dự kiến tình trạng “chuột túi” sẽ còn tiếp diễn trong bối cảnh giá bất động sản tăng cao khiến nhiều thanh niên không thể tự mua/thuê nhà ở riêng. Tệ hơn nữa là một vài thanh niên trì hoãn tốt nghiệp đại học, không chịu đi làm, cũng chẳng kết hôn, sống trong sự bao bọc của cha mẹ. 

Mới đây, Viện Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em Hàn Quốc (KICCE) thực hiện một cuộc khảo sát trong số 1.013 người ở độ tuổi từ 20 - 50 vào ngày 13/12. Kết quả khảo sát cho thấy cứ 4 hộ gia đình thì có 1 hộ có con không kết hôn mặc dù đã ngoài 20 hoặc 30 tuổi. 

12% người được phỏng vấn nói rằng bố mẹ nên hỗ trợ con cái cho tới khi kết hôn, trong khi 3% thì có ý kiến bố mẹ nên hỗ trợ con cái cho tới khi chúng có thể tự lập về tài chính. Tỷ lệ người có cùng ý kiến vào năm 2008 lần lượt là 10% và 0,6%. Điều này cho thấy điều kiện kinh tế tại Hàn Quốc ngày càng trở nên khó khăn. 

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp đang có xu hướng gia tăng, dẫn đến xã hội sẽ lại có nhiều kẻ ăn bám. Ngân hàng Standard Chartered Bank Hàn Quốc cho hay ở môi trường làm việc cạnh tranh, đặc biệt là trong những công ty lớn, cơ hội việc làm cho những bạn trẻ mới ra trường là rất ít. Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15 - 29 tuổi ở Hàn Quốc trong tháng 11/2016 là 8,2%, cao hơn 5,1% so với một tháng trước.

Ngay cả khi có thu nhập tốt, nhiều thanh niên vẫn muốn sống cùng cha mẹ để tiết kiệm cho cuộc sống sau khi nghỉ hưu, trong bối cảnh nền kinh tế đang đi xuống, môi trường làm việc cạnh tranh khắc nghiệt. 

Cô Claire Lee (39 tuổi), làm việc tại bộ phận hậu cần của công ty Swatch Group AG, có lý do riêng để sống cùng cha mẹ ở Ilsan, phía Tây Bắc thành phố Seoul: “Tôi chẳng việc gì phải ra ở riêng. Bố tôi vẫn đang đi làm còn mẹ tôi thì chăm lo mọi công việc nhà. Thay vì mua nhà riêng, tôi sẽ tiết kiệm tiền cho cuộc sống sau này.” 

Đây là lý do ngày càng nhiều bậc cha mẹ đến tuổi nghỉ hưu, khoảng 50 hay 60 tuổi, vẫn phải đi làm thêm hoặc mở cửa hàng kinh doanh. Theo ngân hàng SC Bank Hàn Quốc, trong những năm 2014 - 2015, số người đi làm khi đã ngoài 50 là 76,05%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ người lao động dưới 30 (57,65%). Khi mà số người cao tuổi đi làm nhiều thì cơ hội việc làm cho người trẻ lại càng ít. Đây là cái vòng luẩn quẩn bó chân Hàn Quốc và không dễ giải quyết.
Phương Anh (theo Yonhap)
Hàn Quốc rộ xu hướng sống độc thân
Hàn Quốc rộ xu hướng sống độc thân

Theo Cục thống kê Hàn Quốc (KOSTAT), năm 2016 có 5,2 triệu người Hàn Quốc sống độc thân, chiếm 27,2% trên tổng 19,1 triệu hộ gia đình trên cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN