Người Hàn Quốc chạy theo trào lưu sống không đồ đạc

Lối sống tự do, không ràng buộc bởi vật chất đang trở thành một xu hướng mới ở Hàn Quốc. Theo hãng tin Yonhap, từ năm 2014 đến nay, đã có hàng chục nghìn người Hàn Quốc theo đuổi lối sống tối giản này.

Bà Hwang Yun-jeong (47 tuổi), tác giả của cuốn sách viết về lối sống tối giản phát hành vào tháng 9 tại Hàn Quốc, chia sẻ rằng việc dẹp hết những thứ vô dụng, lỉnh kỉnh sẽ giúp “tập trung hơn vào những điều bạn thực sự quan tâm”.

Ý tưởng tối giản hóa không gian sống đến với Hwang sau khi bà nhận ra mình có cả đống quần áo chẳng mấy khi mặc đến, rất lãng phí. Bên cạnh đó, còn rất nhiều lọ hoa và bể cá trong nhà mà bà cũng không còn cảm mấy mặn mà. Bà Hwang không phải là người đầu tiên viết sách về lối sống tối giản. Trước đó, đã có rất nhiều tác giả đến từ Nhật Bản và các nước phương Tây từng viết. Nhưng tại Hàn Quốc, bà là cây bút đầu tiên giới thiệu với bạn đọc về xu hướng này.

Căn nhà không có nhiều đồ đạc của cô Hwang Yun-jeong tại Hanam, đông nam Seoul. Ảnh: Yonhap

Mặc dù lối sống tối giản bắt nguồn từ Nhật Bản, nhưng Kim Min-hye tại Ntree (nhà xuất bản cuốn sách của bà Hwang) cho rằng người Hàn Quốc có lý do riêng để lựa chọn lối sống này. “Người Nhật Bản thường sống trong những căn nhà nhỏ, vì vậy họ không muốn có nhiều đồ đạc. Hơn nữa, sau loạt trận động đất gần đây, nhiều người lo ngại các đồ vật nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng khi xảy ra thiên tai”, cô Kim nhận định. 

Còn ở nơi ít khi xảy ra động đất như Hàn quốc, sự thay đổi nhận thức về tiêu dùng và thực tế ngày càng có nhiều phụ nữ đi làm mới chính là nguyên nhân khiến lối sống tối giản trở thành một xu hướng. Theo điều tra của cơ quan thống kê Hàn Quốc (KOSTAT) vào tháng 10/2015, khoảng 52 triệu hộ gia đình tại đất nước Đông Á này có cả hai vợ chồng cùng đi làm, chiếm 43,9%. 

Trong khi đó, Kim Bo-min (24 tuổi) chia sẻ rằng cô cảm thấy vô cùng mệt mỏi mỗi khi trở về nhà sau giờ tan tầm và không muốn đụng tay vào bất cứ việc gì. Kể từ khi cô bỏ bớt đồ đạc, nhà cửa lúc nào cũng gọn gàng và sạch sẽ, chẳng mấy khi cần phải dọn dẹp. 

Tuy sống giữa xã hội đầy những tín đồ mua sắm, nhiều người Hàn Quốc lại đang tìm cách thay đổi thói quen tiêu dùng của mình. Điển hình như bà Hwang, ngoài thực phẩm và các vận dụng cần thiết, thứ duy nhất mà bà mua trong vòng 10 tháng qua là đôi giày. 

Ban đầu, bà Hwang sắp xếp cuộc sống theo phong cách tối giản vì mong muốn giải phóng mình khỏi những vướng bận đời thường, nhưng bây giờ bà bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ môi trường. “Tôi cảm thấy rất có lỗi với núi rác mà tôi thải ra sau khi tối giản căn nhà của mình”, bà Hwang tâm sự. 

Ngoài viết sách, bà Hwang đã tạo một cộng đồng trực tuyến với hơn 45.000 người đăng ký tham gia. Tại đây, mọi người đã chia sẻ việc họ tặng lại những món đồ không dùng đến cho những tổ chức từ thiện cũng như thông tin của các tổ chức từ thiện đó.

Theo tổ chức từ thiện phi chính phủ Beautiful Store Foundation, số lượng đồ quyên góp tăng từ 10 triệu vật phẩm vào năm 2014 lên 12 triệu vào năm 2015, đạt 11,9 triệu trong tháng 10 năm nay.  

Mặc dù vậy, rất nhiều người, bao gồm cả những người chuộng chủ nghĩa tối giản tỏ ra nghi ngờ việc trào lưu này có thể tồn tại lâu dài. Có ý kiến cho rằng ngay sau khi “cuộc sống tối giản” trở thành một cơn sốt, các công ty nội thất sẽ tận dụng cơ hội để quảng cáo, kêu gọi mọi người thải hết đồ cũ và mua sản phẩm mới từ chỗ họ. 

Bà Kwang cho biết: “Chúng ta đang sống trong một đất nước tự do. Tôi không khuyến khích mọi người ngừng mua sắm. Tôi chỉ hy vọng mọi người tiêu dùng có trách nhiệm để xã hội trở nên tốt đẹp hơn”.   
Phương Anh
Người Hàn Quốc học cách “săn” quan tham
Người Hàn Quốc học cách “săn” quan tham

Đạo luật mới đảm bảo khen thưởng hậu hĩnh cho người tố giác, bắt quả tang hành vi tham nhũng của các quan chức, nhân viên chính phủ đã khiến người dân Hàn Quốc đổ xô đến các lớp học kỹ năng làm paparazzi (thợ săn ảnh).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN