Nỗ lực cứu nghề
Vào những năm 1960, quận Seongdong là một khu công nghiệp mạnh, tập trung nhiều nhà xưởng làm tóc giả và mạ sắt. Sau đó, khoảng thập niên 90, Seongdong và đặc biệt là ở thị trấn Seongsu lại nổi lên nghề sản xuất giày và in vẽ. Tuy nhiên, ngành này chỉ tồn tại hơn một thập kỷ rồi mất sức cạnh tranh, khiến hàng loạt công ty chuyển đi nơi khác.
Mãi tới năm 2013, chính quyền thành phố Seoul mới lên kế hoạch “hồi sinh” Seongsu bằng cách lập nên chuỗi cửa hàng chuyên làm giày thủ công, đặt gần cửa số 1 của nhà ga Seongsu. Hàng trăm thợ đóng giày lành nghề ở khắp Hàn Quốc đã được mời về đây mở cửa hàng, cùng với họ còn có nhiều nhà thiết kế và người buôn bán.
Một thợ đóng giày ở khu phố Seongsu. |
Các nhà chức trách mong muốn cứu nghề truyền thống của địa phương khỏi cảnh chết dần mà vẫn giữ nguyên được nét cổ kính độc đáo của thị trấn công nghiệp xưa kia, khác biệt với khung cảnh nhà cao chọc trời ở đô thị hiện đại. Mặt khác, nhằm giữ lửa nghề cho thế hệ kế tiếp, họ cũng mở các khóa học đóng giày miễn phí cho người trẻ có nguyện vọng khởi nghiệp. Mỗi khóa học kéo dài 8 tháng và chỉ nhận tối đa 15 người để có thể đào tạo kỹ lưỡng mọi thao tác, từ đo cỡ chân, chuẩn bị khuôn mẫu, hoa văn tới cắt da rồi ghép chúng lại với nhau.
Phố cũ hồi sinh
Ở tuổi 68, nghệ nhân lão làng Yu Hong-sik làm chủ một tiệm giày nhỏ nằm kế bên ga tàu nhộn nhịp. Ông bắt tay vào nghề này từ năm 13 tuổi và đặc biệt giàu kinh nghiệm đóng giày cho nam giới. Giá trung bình của một đôi giày vào khoảng 120.000 - 130.000 won.
Theo ông Yu, kể từ ngày “yanghwa” (giày Tây) trở nên phổ biến tại Hàn Quốc trong thập niên 70 thì những đôi giày đo ni đóng đế thủ công đã vô cùng được ưa chuộng. Tuy nhiên, chuỗi ngày hoàng kim đã đi tới hồi kết sau một vài thập kỷ bởi sự “chen ngang” của những đôi giày đóng sẵn, giá rẻ từ Trung Quốc cũng như sự ra đời của giày thể thao tiện lợi.
Hiện nay có xấp xỉ 300 tiệm giày lớn nhỏ hoạt động tại Seongsu. Ông Yu cho biết: “Seongsu là một thiên đường giày dép, sản xuất ra khoảng 60% lượng giày thủ công của Hàn Quốc. Các vùng khác cũng có nhà máy sản xuất giày nhưng thị trấn cũ này lại nổi tiếng nhất về tay nghề của thợ và chất lượng sản phẩm”.
Những yếu tố tiềm năng trên đã được chính quyền Seoul lấy làm cốt lõi khi bắt tay vào kế hoạch vực lại sức mạnh và quảng bá hình ảnh thị trấn nghề nổi tiếng của Hàn Quốc, biến nơi đây thành một điểm du lịch hút khách. Nhờ kế hoạch “hồi sinh” mảnh đất Seoungsu mà nhiều thợ đóng giày và người buôn bán có một chỗ làm việc ổn định, thu nhập khá. “Bán 50 đôi giày trên phố Seongsu còn kiếm lời nhiều hơn là bán 100 đôi cho các nhà buôn lớn. Doanh thu của chúng tôi đã tăng 50% so với ba năm trước đây”, cô Cho Jung-myeong - chủ một cửa hàng bán giày nữ - chia sẻ.
Sau bốn năm xây dựng dự án “hồi sinh”, khu vực này đã trải qua một cuộc thay đổi diện mạo lớn. Một bảo tàng trưng bày giày dép đầy màu sắc đã mọc lên ngay giữa sảnh chính của ga tàu điện Seongsu để giới thiệu với du khách lịch sử phát triển của giày hiện đại.
Từ ngày lượng khách du lịch tới đây tăng mạnh, mảnh đất này cũng trở thành một thỏi nam châm hút các quán cà phê kéo đến làm ăn. Quán cà phê kiêm triển lãm nghệ thuật Daelim Warehouse vốn là một nhà máy xát gạo ngói đỏ cũ kĩ, nay đã được “biến hình” thành một nơi gặp gỡ, giao lưu rộng rãi của giới trẻ. Một vài xưởng in, xưởng may và nhà máy kim loại ở gần đó cũng được thuê làm cửa hiệu thời trang hay xưởng vẽ nghệ thuật thu hút khách hàng từ trong và ngoài thành phố Seoul.