Ngày 15/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua việc sử dụng vaccine COVID-19 của Oxford-AstraZeneca trong chương trình có tên COVAX. Liên minh Toàn cầu về vaccine và Tiêm chủng (GAVI) đã phối hợp với WHO hình thành COVAX - chương trình đảm bảo phân phối vaccine phòng COVID-19 toàn cầu. Hãng tin DW (Đức) cho biết Viện Serum Ấn Độ - đơn vị sản xuất vaccine lớn nhất thế giới - đã đồng ý sản xuất 1,1 tỷ liều vaccine COVID-19.
Và Ấn Độ đang tận dụng năng lực sản xuất vaccine để đẩy mạnh hình ảnh là “hiệu thuốc của thế giới”. Ấn Độ đã phân phối miễn phí hàng triệu liều vaccine COVID-19 do nước này sản xuất tới một số quốc gia trên thế giới.
Thủ tướng Narendra Modi vào tháng 1 tuyên bố về sáng kiến "vaccine maitri" (tiếng Hindi có nghĩa là tình hữu nghị vaccine), vài ngày sau khi nước này khởi động chiến dịch tiêm toàn quốc.
Thủ tướng Modi trong tháng 1 cũng nhấn mạnh: “Ấn Độ vô cùng tự hào là một đối tác đáng tin cậy đáp ứng nhu cầu y tế của toàn cầu. Nguồn cung vaccine COVID-19 tới một số quốc gia sẽ bắt đầu từ 20/1”.
"Vaccine maitri" khởi động tại các quốc gia láng giềng của Ấn Độ và nhiều đối tác của nước này tại Ấn Độ Dương. Những liều vaccine được coi là “món quà” và chiểu theo chính sách “láng giềng trên hết” của New Delhi. Một số quốc gia Mỹ Latinh và vùng Caribberan cũng nằm trong nhóm được Ấn Độ tặng.
Theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, trong hai tuần đầu tiên khởi động sáng kiến, New Delhi đã chuyển hơn 15,6 triệu liều vaccine tới 17 quốc gia.
Đến nay Ấn Độ đã thông qua hai loại vaccine phòng COVID-19, một do Đại học Oxford và công ty dược AstraZeneca (Anh) điều chế, loại còn lại do công ty Ấn Độ Bharat Biotech phát triển. Vaccine COVID-19 Oxford-AstraZeneca do Viện Serum Ấn Độ sản xuất tại thành phố Pune là loại được nước này tặng cho các quốc gia khác.
Sáng kiến vaccine toàn cầu của Chính phủ Ấn Độ vấp phải ý kiến trái chiều trong nước. Nhiều ý kiến băn khoăn rằng việc xuất khẩu vaccine COVID-19 vốn quý giá liệu có phải là đúng đắn. Ấn Độ dự kiến đến tháng 8 tiêm vaccine COVID-19 cho 300 triệu người dân nước này. Trong 2 tuần đầu của chiến dịch tiêm khởi động từ 16/1, Ấn Độ đã tiêm vaccine cho 3 triệu nhân viên y tế và cần tăng tốc để đạt được mục tiêu đề ra cho mùa Hè.
Giám đốc Viện nghiên cứu Nam Á tại Đại học Quốc gia Singapore – ông Raja Mohan nhận định rằng Ấn Độ đã có bước đi thông minh khi sử dụng vaccine COVID-19 để nâng tầm quan hệ quốc tế. Bên cạnh đó, ông lưu ý đến một khía cạnh đặc biệt: “Không thể tiêu thụ tất cả vaccine bạn tự sản xuất trong một thời gian ngắn. Chúng có thời hạn sử dụng”. Ông Raja Mohan bổ sung rằng năng lực sản xuất vaccine của Ấn Độ khiến sáng kiến "vaccine maitri" được hiện thực hóa.
Những món quà vaccine của Ấn Độ có thể đóng vai trò trong hàn gắn quan hệ với các láng giềng Nepal, Bangladesh và Sri Lanka. Quan hệ Ấn Độ-Nepal đã đi xuống trong mùa Hè 2020 do bất đồng ngoại giao liên quan đến biên giới. Mối quan hệ Ấn Độ với Bangladesh và Sri Lanka cũng xảy ra biến động.
Ông Raja Mohan phân tích: “Điều này cho thấy ý chí chính trị mới tại New Delhi đó là bất kể bạn có năng lực gì, chúng có thể được vận dụng thông minh cho mục đích ngoại giao”.