Vấn đề Brexit: Giới chức Anh cảnh báo về một tiến trình dai dẳng - Ireland khẳng định không có thêm rủi ro kinh tế

Ngày 15/3, Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh David Lidington cảnh báo các nghị sĩ nước này rằng tiến trình đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, có thể phải đối mặt với sự trì hoãn trong thời gian dài, trừ khi Quốc hội thông qua thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May sau hai lần bác bỏ.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Anh Theresa May (giữa) phát biểu trong phiên chất vấn tại Hạ viện ở thủ đô London ngày 30/1/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh BBC, Bộ trưởng Lidington bày tỏ hy vọng Anh sẽ rời EU theo trình tự, nhưng nếu thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May không được thông qua, khả năng trì hoãn Brexit trong một thời gian dài là hoàn toàn có thể xảy ra. Ông nêu rõ sẽ không có một sự gia hạn ngắn đối với quy chế thành viên của EU, mà cần một thời gian đủ dài để Quốc hội có thể có quyết định cuối cùng nhận được sự ủng hộ của số đông. 

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe cho biết nước này sẽ đưa ra một phản ứng rất "rộng lượng" đối với đề nghị trì hoãn Brexit của Anh. 

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Bloomberg, Bộ trưởng Donohoe cho biết điều thực sự quan trọng đối với Ireland và EU là các bên đều biết rõ lý do gia hạn Brexit và việc gia hạn này không làm gia tăng những nguy cơ đối với kinh tế mà các bên đang cố gắng tránh ở thời điểm này. 

Việc Anh rời khỏi EU đã gây ra sự hỗn loạn trong suốt nhiệm kỳ của Thủ tướng May và kịch bản Brexit hiện vẫn chưa chắc chắn với nhiều phương án được đưa ra, trong đó có khả năng gia hạn Brexit trong thời gian dài, bác bỏ thỏa thuận của bà May, Brexit không theo trình tự và không có một thỏa thuận, hoặc thậm chí là tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân khác. 

Theo kế hoạch, Anh sẽ chính thức rời “mái nhà chung” châu Âu vào ngày 29/3 tới. Tuy nhiên, ngày 12/3 vừa qua, Hạ viện Anh đã lần thứ hai bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận Brexit và sau đó một ngày, các nghị sĩ đã loại bỏ phương án Brexit không thỏa thuận. Ngày 14/3, Hạ viện bỏ phiếu thông qua đề xuất của chính phủ, theo đó gia hạn Điều 50 Hiệp ước Lisbon và ủng hộ việc đề nghị EU hoãn Brexit.

Khả năng Hạ viện Anh trong cuộc bỏ phiếu lần thứ ba vào ngày 20/3 tới ủng hộ thỏa thuận của bà May cũng rất khó khăn, khi không dễ gì một khoảng thời gian ngắn ngủi lại có thể thay đổi được quan điểm của những nghị sĩ vốn đã hai lần bỏ phiếu không chấp nhận một thỏa thuận mà họ cho là nước Anh vẫn bị phụ thuộc quá nhiều vào EU sau Brexit. Nếu thỏa thuận này tiếp tục bị từ chối, chắc chắn thời gian trì hoãn sẽ phải kéo dài hơn, khi đó nước Anh có thể bị đẩy vào một “ngã rẽ mới”, mà không biết đến khi nào mới kết thúc.

Thùy An (TTXVN)
Anh tìm kiếm những thay đổi có tính ràng buộc pháp lý liên quan đến vấn đề đường biên giới với Ireland
Anh tìm kiếm những thay đổi có tính ràng buộc pháp lý liên quan đến vấn đề đường biên giới với Ireland

Luật sư của Chính phủ Anh đang tìm kiếm những thay đổi ràng buộc về mặt pháp lý cho điều khoản "chốt chặn" trong vấn đề đường biên giới Ireland khi các cuộc đàm phán Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu - EU) đang vào giai đoạn quyết định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN