Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề cộng đồng và địa phương của Anh James Brokenshire nói: "Đại diện pháp lý của chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm đảm bảo chúng ta có được những thay đổi ràng buộc về mặt pháp lý để chúng ra không bị bế tắc trong vấn đề liên quan đến đường biên giới với Ireland". Theo ông Brokenshire, đây là điểm mấu chốt của vấn đề đường biên giới, nhằm đảm bảo các bên không mắc kẹt trong việc sắp xếp tại khu vực biên giới hậu Brexit, vốn là vấn đề gây tranh cãi tại Hạ viện.
Ông James Brokenshire cho rằng các cuộc đàm phán Brexit đang trong giai đoạn nhạy cảm. Trong bối cảnh chỉ còn 25 ngày trước thời điểm "Xứ sở sương mù" chính thức rời "ngôi nhà chung" châu Âu, Hạ viện Anh vẫn chưa thể thống nhất một thỏa thuận "ly hôn" với EU. Thỏa thuận được chính phủ của Thủ tướng May và EU đạt được hồi tháng 11/2018 đã bị Hạ viện nước này bác bỏ với tỷ lệ phản đối cao kỷ lục trong cuộc bỏ phiếu hồi giữa tháng 1 vừa qua.
Nếu những sửa đổi mà Thủ tướng May nỗ lực tìm kiếm không giúp thỏa thuận này được ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu lần hai tại Hạ viện dự kiến diễn ra vào ngày 12/3 tới, chính phủ sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu khác vào ngày 13/3 để các nhà lập pháp quyết định liệu có chấp thuận một kịch bản Brexit không thỏa thuận hay không. Nếu khả năng này tiếp tục bị phủ quyết, Quốc hội sẽ bỏ phiếu vào ngày 14/3 về phương án tìm kiếm sự "gia hạn ngắn và có giới hạn" đối với Điều khoản 50 trong Hiệp ước Lisbon.
Khả năng trên đang rộ lên trên truyền thông Anh. Bộ Tư pháp Anh Rory Stewart cho rằng nhiều khả năng Anh sẽ buộc phải đề nghị hoãn Brexit vì không nhiều ý kiến trong Hạ viện nước này ủng hộ kịch bản Brexit không thỏa thuận. Kịch bản được cho là sẽ gây tổn thất lớn cho nền kinh tế thứ 5 thế giới vì mọi quan hệ với EU đều bị chấm dứt đột ngột, gây cản trở không nhỏ tới hoạt động thương mại và dịch chuyển giữa Anh với EU.