Tuy nhiên, bộ phận Giải pháp quản lý rủi ro (RMS) của cơ quan này cho biết trong một báo cáo rằng hầu hết thiệt hại kinh tế dự kiến sẽ được bảo hiểm chi trả, với mức khoảng 75% trở lên.
Các vụ cháy rừng bùng phát đầu tháng này ở Maui của Hawaii đã khiến hàng trăm người thiệt mạng, buộc hàng chục nghìn cư dân và khách du lịch phải sơ tán khỏi hòn đảo và tàn phá thành phố nghỉ mát lịch sử Lahaina.
Moody's cho biết ước tính thiệt hại tính trên diện rộng, bao gồm "thiệt hại tài sản, đồ đạc và gián đoạn kinh doanh đối với các tài sản dân cư, thương mại, công nghiệp, ô tô và cơ sở hạ tầng".
Báo cáo của Moody's cho biết thành phố Lahaina là nơi bị thiệt hại nặng nề nhất do thảm họa cháy rừng này. Giá trị tài sản được bảo hiểm của thành phố này dao động từ 2,5 tỷ USD đến 4 tỷ USD.
Rajkiran Vojjala, một quan chức của RMS thuộc Moody's cho biết mức độ thiệt hại dây chuyền sau sự kiện trên dự kiến sẽ cao do hiện tượng đảo nhiệt đối với chuỗi cung ứng, chi phí nhân công xây dựng nói chung cao, tác động lạm phát trong thời gian phục hồi dự kiến dài, cũng như các yêu cầu pháp lý.
Tuy vậy, ước tính trên tính đến tổn thất về vật chất nhưng không tính đến tác động kinh tế vĩ mô dài hạn. Nó không bao gồm tổn thất GDP khi hòn đảo cố gắng bù đắp thiệt hại, các khoản thanh toán của chính phủ hoặc các chi phí xã hội khác.
Theo ước tính từ Verisk, nhà cung cấp phân tích dữ liệu bảo hiểm toàn cầu, chi phí tái xây dựng trên đảo Hawaii sẽ rất tốn kém, cao hơn khoảng 44% so với trên đất liền.