Bà Claudia Cappa, tác giả chính bản báo cáo của UNICEF được công bố ngày 2/5, nhấn mạnh nỗ lực loại bỏ tục tảo hôn đã đạt được tiến bộ, đặc biệt là trong 10 năm qua, tuy nhiên vẫn là chưa đủ.
Theo ước tính của UNICEF, khoảng 640 triệu bé gái và thiếu nữ đã kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi. Trung bình mỗi năm, khoảng 12 triệu trẻ em gái phải trở thành cô dâu khi còn đang ở tuổi đi học. Trong 25 năm trở lại đây, tốc độ tăng số vụ tảo hôn như vậy đang chậm lại.
Cụ thể, năm 1997, khoảng 25% nữ giới từ 20 - 24 tuổi kết hôn trước năm 18 tuổi. Đến năm 2012, con số này giảm xuống còn 23%, tiếp đó, giảm còn 19% vào năm 2022. Mặc dù vậy, nếu tỷ lệ tảo hôn giảm với tốc độ hiện nay, khoảng 9 triệu trẻ em gái sẽ phải kết hôn sớm trong năm 2030.
Bà Cappa cảnh báo các tiến bộ trên là chưa đủ và với tốc độ hiện tại, có thể phải đợi 300 năm nữa, thế giới mới có thể loại bỏ nạn tảo hôn và phần lớn tình trạng này liên quan các bé gái từ 12 - 17 tuổi. Cũng theo bà, UNICEF hiện theo dõi đặc biệt tình hình ở châu Phi cận Sahara. Các bé gái ở khu vực này có nguy cơ tảo hôn cao nhất thế giới, với hơn 33% kết hôn trước 18 tuổi. Báo cáo dự báo số lượng cô dâu trẻ em tại đây sẽ tăng 10% vào năm 2030.
UNICEF bày tỏ quan ngại những bước tiến trong nỗ lực loại bỏ tục tảo hôn hiện rất mong manh, thậm chí đang "lâm nguy". Cơ quan LHQ nhấn mạnh dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa chấm dứt, cùng với đó là các cuộc xung đột toàn cầu và tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu có thể đảo ngược những thành quả khó đạt được.
Những cuộc khủng hoảng như vậy có thể khiến các gia đình phải chọn gả con sớm như một biện pháp an toàn. UNICEF ước tính chỉ riêng COVID-19 có thể là nguyên nhân dẫn tới 10 triệu vụ tảo hôn trong giai đoạn 2020 - 2030.
Giám đốc UNICEF Catherine Russell nhận định thế giới đang chìm trong "khủng hoảng chồng khủng hoảng", điều này đang dập tắt hy vọng và ước mơ của những trẻ em dễ tổn thương, đặc biệt là những bé gái lẽ ra được cắp sách tới trường thay vì phải kết hôn sớm.
Báo cáo của UNICEF lưu ý mặc dù tảo hôn là hành vi vi phạm quyền trẻ em, nhưng các gia đình thường coi đó là biện pháp bảo vệ các bé gái, mang lại sự bảo đảm về tài chính, xã hội hoặc thậm chí cả thể chất. Nhiều bậc cha mẹ cũng coi đó là cách để bớt đi một người phụ thuộc.