Cờ Liên minh châu Âu và cờ Ukraine tại trụ sở Ủy ban châu Âu ở Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Theo Politico châu Âu (Politico.eu), việc Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị áp dụng lại mức thuế quan cao đối với hàng nông sản của Ukraine vào tháng 6 tới đang gây ra những lo ngại sâu sắc từ Kiev. Một nghị sĩ cấp cao của Ukraine cảnh báo động thái này không chỉ gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho một quốc gia đang oằn mình vì xung đột mà còn làm suy yếu niềm tin vào chính EU.
Dmytro Natalukha, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Ukraine, đã dẫn đầu một phái đoàn gồm 11 nhà lập pháp đến Brussels để kêu gọi một giải pháp thương mại nhanh chóng và lâu dài. Họ đến trước khi các biện pháp miễn trừ thuế quan thời chiến của EU, được gọi là Biện pháp Thương mại Tự chủ (ATM), hết hạn vào ngày 5/6 tới. "Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của chúng tôi, một ủy ban quốc hội đã tổ chức một phiên họp bên ngoài đất nước. Biểu tượng rất quan trọng. Chúng tôi ở đây vì thương mại với EU cực kỳ quan trọng đối với Ukraine", ông Natalukha nói.
Chi phí kinh tế và chính trị nặng nề
Lợi ích kinh tế của việc duy trì miễn trừ thuế quan là rõ ràng. Theo ước tính của Kiev, việc quay trở lại các điều kiện thương mại trước cuộc chiến sẽ cắt giảm doanh thu xuất khẩu của Ukraine tới 3,5 tỷ euro mỗi năm, đồng thời cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này cho năm 2025 từ 2,7% xuống chỉ còn 0,9%. Biện pháp khắc phục "chuyển tiếp" do Ủy ban châu Âu đề xuất – khôi phục hạn ngạch cũ chỉ đối với một số mặt hàng nhạy cảm như ngô, gia cầm và đường – có thể giảm bớt tác động, nhưng chỉ rất nhỏ.
Tuy nhiên, ông Natalukha lập luận rằng chi phí chính trị có thể còn cao hơn: "Nếu không có giải pháp bắc cầu hoặc giải pháp thay thế có ý nghĩa, thì đó không chỉ là một lời hứa bị phá vỡ. Đó là một tín hiệu cho thấy khi mọi thứ trở nên khó khăn, EU sẽ hướng nội, không hướng ngoại. Điều đó sẽ được phía Nga tận dụng và sẽ ảnh hưởng đến tinh thần ở Ukraine".
Ukraine đặc biệt dễ bị tổn thương trong bối cảnh hiện tại. Ngành xuất khẩu chính khác của nước này – luyện kim – phụ thuộc vào nguyên liệu thô từ lưu vực Pokrovsk ở vùng Donetsk, nơi giao tranh đang diễn ra ác liệt. "Nếu chúng tôi mất quyền kiểm soát Pokrovsk, ngành luyện kim sẽ biến mất và nông nghiệp là chỗ dựa duy nhất của chúng tôi. Điều đó sẽ là một thảm họa", ông Natalukha nhấn mạnh.
Ủy ban châu Âu đã nhiều lần khẳng định sẽ không gia hạn ATM sau ngày 5/6, viện dẫn các hạn chế pháp lý và nhu cầu cập nhật Khu vực Thương mại Tự do Toàn diện và Sâu rộng (DCFTA) đã có từ trước. Tuy nhiên, các quan chức Ukraine cho biết các cuộc đàm phán với phía EU hầu như chưa bắt đầu và cáo buộc Brussels đang chậm trễ. "Chúng tôi không chỉ thấy không có giải pháp thay thế nào được thảo luận. Chúng tôi thậm chí còn không thấy quy trình", ông Natalukha phàn nàn.
Quá trình chuyển đổi đã được các nước thành viên EU ủng hộ rộng rãi trong cuộc bỏ phiếu của ủy ban vào tuần trước. Chỉ có Thụy Điển, Đan Mạch, Latvia, Estonia và Litva bỏ phiếu trắng. Ông Natalukha cảnh báo rằng cách tiếp cận này tạo ra sự bất ổn, đặc biệt nếu hạn ngạch hết trong vòng vài tuần, như thường xảy ra trước cuộc chiến.
Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu cho biết các biện pháp chuyển tiếp được thiết kế nhằm tránh kịch bản "bên bờ vực thẳm" khi các miễn trừ thời chiến hết hạn. "Ủy ban hiện đang tiến hành xem xét lại DCFTA, nhằm mục đích mang lại khả năng dự đoán và ổn định lâu dài cho các nhà khai thác EU và Ukraine, bao gồm cả viễn cảnh Ukraine gia nhập EU", người phát ngôn trên cho biết thêm.
Ukraine là "công cụ chính trị" của EU?
Ông Natalukha đặc biệt thẳng thắn về nguồn gốc chính trị của việc bãi bỏ các biện pháp miễn trừ. Ông cho rằng Ukraine đã trở thành một "công cụ" trong các cuộc tranh luận nội bộ của EU, đặc biệt là ở các quốc gia như Ba Lan và Pháp, nơi các cuộc biểu tình của nông dân đã làm rung chuyển chính phủ. "Ukraine đã bị biến thành vũ khí như quyền di cư hay quyền LGBT (đồng tính luyến ái)" ông Natalukha nói.
Về phần mình, một nghị sĩ từ đảng Người hầu của Nhân dân của Tổng thống Volodymyr Zelensky đã bác bỏ các cáo buộc rằng Ukraine đang tràn ngập EU bằng các sản phẩm giá rẻ, chất lượng thấp hoặc phớt lờ các tiêu chuẩn. Đồng thời, ông cho biết các nhà sản xuất Ukraine đang phải vật lộn để cạnh tranh với hàng nhập khẩu của EU, đặc biệt là từ Ba Lan, nhưng Kiev đã không trả đũa: "Các nhà sản xuất pho mát và sữa của chúng tôi đang gặp khó khăn với hàng nhập khẩu của Ba Lan. Nhưng chúng tôi không chặn bất cứ thứ gì. Chúng tôi tuân thủ các quy tắc".
Khi được hỏi liệu những căng thẳng thương mại này có làm xói mòn niềm tin của người Ukraine vào EU hay không, ông Natalukha không ngần ngại: "Đúng vậy, nó gây tổn thương. Người Ukraine đã kiệt sức về mặt cảm xúc. Và khi họ chứng kiến kiểu đối xử này, nó nuôi dưỡng câu chuyện rằng châu Âu sẽ không bao giờ thực sự chào đón họ". Ông cảnh báo rằng tình trạng bế tắc kéo dài có thể dẫn đến sự xuất hiện của các đảng hoài nghi châu Âu ở Ukraine trước khi nước này gia nhập EU.
Tuy nhiên, ông Natalukha đã đưa ra một lưu ý thực dụng: "Chúng tôi không yêu cầu bất cứ điều gì đặc biệt. Chúng tôi chỉ muốn giao dịch công bằng, có thể dự đoán được – và những lời hứa đã đưa ra phải được thực hiện".
Trong khi đó, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu tái khẳng định đang liên lạc chặt chẽ với Ukraine để xem xét thỏa thuận thương mại song phương: "EU đặt mục tiêu duy trì thời gian chuyển đổi này càng ngắn càng tốt. Chúng tôi sẽ làm việc nhanh chóng và mang tính xây dựng hướng tới một thỏa thuận. Mục tiêu của chúng tôi là đạt được tiến triển có ý nghĩa và đạt được kết quả cân bằng, khả thi càng sớm càng tốt".