'Kênh hợp tác trực tiếp' hiếm hoi giữa Nga và Ukraine trong bối cảnh xung đột leo thang

Cuộc trao đổi 1.000 tù binh giữa Liên bang Nga và Ukraine mới đây đánh dấu bước ngoặt lớn trong tiến trình đối thoại giữa hai bên. Từ hỗn loạn ban đầu, việc trao trả tù binh đã trở thành "kênh hợp tác" hiếm hoi giữa hai quốc gia đang có giao tranh ác liệt.

Chú thích ảnh
 Các tù binh Nga tại trại tập trung ở miền Tây Ukraine. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Gần ba năm rưỡi kể từ khi cuộc xung đột toàn diện bùng nổ, việc trao đổi tù binh giữa Ukraine và Nga đã có sự thay đổi đáng kể về bản chất, quy mô và ý nghĩa chính trị, đặc biệt là trong những tuần gần đây. Theo báo The Kyiv Independent (Ukraine) ngày 25/5, trong khi các cuộc đàm phán ngừng bắn thường xuyên gián đoạn và đổ vỡ, việc trao đổi tù binh lại nổi lên như một trong số ít lĩnh vực hợp tác trực tiếp lâu dài giữa hai bên.

Mykolaj Suchy, nhà phân tích nghiên cứu tại KI Insights, nhận định rằng tiến trình này đã phát triển từ một giai đoạn hỗn loạn ban đầu sang một cơ chế phối hợp ngày càng thể chế hóa. Dù xung đột vẫn diễn ra khốc liệt, việc trao trả tù binh đã trở thành một kênh liên lạc hiếm hoi, mang lại hy vọng cho hàng nghìn gia đình.

Theo dữ liệu của KI Insights, một đơn vị nghiên cứu phân tích được Kyiv Independent hỗ trợ, từ tháng 2/2022 đến tháng 5/2025, trung bình mỗi tháng Ukraine và Nga trao đổi 135 tù nhân, chủ yếu là quân nhân nhưng cũng bao gồm một số lượng đáng kể dân thường. Tuy nhiên, khi đi sâu vào dữ liệu, chúng ta có thể thấy những xu hướng có ý nghĩa.

Số lượng cá nhân được trao đổi đã tăng vọt trong thời gian gần đây. Cụ thể, vào tháng 4/2025, 277 cá nhân đã được trao đổi. Đặc biệt, vào cuối tuần trước, một cuộc trao đổi lịch sử với 1.000 người Ukraine được dự kiến trở về nhà, nâng tổng số lên 1.000 đổi 1.000 theo kế hoạch bắt đầu từ ngày 23/5. Bức tranh này khác hẳn so với năm ngoái, khi các tù nhân chỉ được trao trả vào những dịp đặc biệt hoặc ngày lễ.

Thể chế hóa quá trình trao đổi

Cuộc xung đột đã mang lại hai thay đổi có ý nghĩa về mặt thể chế đối với việc trao đổi tù binh.

Đầu tiên, Nga là một bên chính thức trong cuộc xung đột, tạo không gian để trực tiếp tham gia vào các cuộc đàm phán. Trước cuộc xung đột, Nga phủ nhận sự tham gia của mình và các cuộc đàm phán được thực hiện thông qua các lực lượng được Nga hậu thuẫn tại các vùng Donetsk và Luhansk. Việc Nga trực tiếp tham gia đã đơn giản hóa kênh đàm phán và giúp quá trình trao đổi trở nên hiệu quả hơn.

Thứ hai, Ukraine đã thành lập Trụ sở điều phối về trao đổi tù binh vào tháng 3/2022. Đây là một nhóm làm việc liên ngành do Nội các thành lập, chịu trách nhiệm về các cuộc trao đổi tù nhân. Kể từ khi thành lập, Trụ sở điều phối đã trải qua những thay đổi đáng kể trong vai trò, trách nhiệm và quy trình làm việc. Kyrylo Budanov, người đứng đầu Trụ sở điều phối từ tháng 6/2022 (và là Giám đốc tình báo quân sự của Ukraine), đã thành công trong việc biến các cuộc trao đổi tù nhân thành một thể chế hoạt động hiệu quả.

Dữ liệu do KI Insights thu thập cho thấy rõ tác động của việc thể chế hóa này. Số lượng tù nhân trung bình được trao đổi qua mỗi lần trao trả đã tăng đều đặn, tăng khoảng 50% mỗi năm. Năm 2022, trung bình 50 tù nhân được trả về Ukraine qua mỗi lần trao đổi. Đến năm 2025, con số này đã tăng lên hơn 200, với các lần trao đổi gần đây đã đẩy con số này lên cao hơn nữa.

Tín hiệu của sự tin tưởng và động lực địa chính trị

Các cuộc đàm phán ở Istanbul, dù không đạt được lệnh ngừng bắn, nhưng lại có ý nghĩa quan trọng đối với những tù nhân được trở về nhà. Điều này cũng nhấn mạnh một động lực thú vị của cuộc chiến đang diễn ra: sự tồn tại của kênh liên lạc và đủ sự tin tưởng giữa các quan chức Ukraine và Nga để cùng nhau đưa tù nhân trở về. Điều này đặc biệt quan trọng khi tiền tuyến hiện tại ở Ukraine dài hơn 1.200 km, và bất kỳ lệnh ngừng bắn nào cũng sẽ đòi hỏi một lượng lớn sự liên lạc và tin tưởng giữa các quan chức hai bên.

Tuy nhiên, Nga cũng đã từng ngừng trao đổi tù nhân vào những thời điểm quan trọng trong cuộc chiến. Ví dụ, sau cuộc bao vây Mariupol và cuộc phản công không thành công của Ukraine, Nga đã đóng băng các cuộc trao đổi. 

Báo The Kyiv Independent lưu ý rằng, mặc dù áp lực từ Mỹ không đưa Nga vào bàn đàm phán ngừng bắn, nhưng có khả năng điều đó đã khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin đồng ý trao đổi tù binh. Cuộc trao đổi mới nhất mang tính lịch sử và có thể là bước ngoặt giúp Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận thấy rằng áp lực của Mỹ đối với Nga tạo nên sự khác biệt. Nó cũng có thể củng cố "cơ sở hạ tầng ngầm" được xây dựng giữa các quốc gia đang giao tranh và tạo tiền đề cho một cuộc trao đổi tù nhân "có sự phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau". 

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Nga cảnh báo thiết lập vùng đệm an ninh bao trùm Ukraine
Nga cảnh báo thiết lập vùng đệm an ninh bao trùm Ukraine

Truyền thông Nga ngày 25/5 đưa tin Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo sẽ thiết lập một vùng đệm bao trùm gần như toàn bộ Ukraine nếu phương Tây tiếp tục viện trợ quân sự cho Kiev.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN