Lãnh đạo lâm thời Ukraine Alexandr Turchinov tuyên bố Ukraine sẽ không dùng quân đội để ngăn cản Crimea (Crưm) tách ra khỏi nước này và sáp nhập vào Nga. Tuyên bố này được đưa ra sau khi có nhiều dấu hiệu cho thấy Crimea đang dần dần thoát khỏi tầm kiểm soát của chính quyền Ukraine.
Một người đi qua tấm áp phích có dòng chữ “Ngăn chặn chủ nghĩa phát xít, tất cả hãy đi trưng cầu ý dân” tại Sevastopol, Crimea ngày 11/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu với phóng viên AFP ngày 11/3, ông Turchinov cho rằng can thiệp vào bán đảo Crimea sẽ khiến Ukraine bị sơ hở ở biên giới phía đông và không được bảo vệ. Ông này thừa nhận quân đội Ukraine không thể đọ nổi với quân Nga và sẽ không bao giờ tìm cách chiếm lại bán đảo Crimea.
Chính quyền lâm thời của ông Turchinov trước đó cũng tuyên bố cuộc trưng cầu ý dân của Crimea ngày 16/3 tới về việc sáp nhập Nga là bất hợp pháp. Theo ông này, kết quả cuộc trưng cầu ý dân sẽ được quyết định trong Điện Kremlin chứ không phải tại Crimea. Trong khi chính quyền Crimea không được chính quyền Ukraine công nhận thì bản thân bộ máy lãnh đạo tạm quyền của Ukraine cũng không được Nga công nhận là hợp hiến.
Bất chấp Ukraine và một số tổ chức quốc tế coi các quyết định gần đây của Crimea là bất hợp pháp, Bộ Ngoại giao Nga ngày 11/3 đã nói rõ rằng Moskva coi các hành động của Crimea là hợp pháp, trong đó có việc thông qua quyết định sáp nhập Nga, tổ chức trưng cầu ý dân và thông qua tuyên ngôn độc lập khỏi Ukraine.
Trong khi đó, Quốc hội Mỹ ngày 11/3 tiếp tục đòi Nga ngay lập tức rút quân khỏi Ukraine và kêu gọi Tổng thống Barack Obama áp đặt trừng phạt kinh tế với Nga. Thượng viện Mỹ đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với Kiev khi thông qua các nghị quyết với lời lẽ chỉ trích Nga và kêu gọi ngừng tư cách thành viên của Nga trong nhóm G8.
Ngày 12/3, các nhà lãnh đạo G7 cũng đã yêu cầu Nga ngừng mọi hoạt động liên quan tới cuộc trưng cầu dân ý tại bán đảo Crimea của Ukraine và "chấm dứt mọi nỗ lực nhằm thay đổi quy chế của Crimea", nếu không sẽ phải đối mặt với hành động đáp trả.
Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseniy Yatsenyuk ngày 12/3 đã hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính và tinh thần của Washington. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai người trong bối cảnh sắp diễn ra cuộc trưng cầu ý dân lịch sử ở Crimea. |
Mặc dù Nga đối mặt với khả năng bị trừng phạt nhưng Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich khẳng định kinh tế Nga sẽ không gặp rủi ro. Theo ông Dvorkovich, các biến động kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng tới Nga nhiều hơn bất kỳ biện pháp trừng phạt nào. Trừng phạt Nga cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực với cả bên khởi xướng. Ông Dvorkovich cho biết Nga sẽ hoạch định chính sách kinh tế để giảm thiểu phụ thuộc các rủi ro chính trị.
Trong lúc này, Crimea vẫn tiếp tục các bước đi chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/3 về quyết định sáp nhập vào Liên bang Nga. Lực lượng tự vệ Crimea ngày 12/3 đã kiểm soát sân bay chính ở thủ phủ Simferopol và hạn chế việc di chuyển cho đến khi kết thúc cuộc trưng cầu ý dân. Một ngày trước đó, các chuyến bay từ thủ đô Kiev và thành phố Istanbul tới và rời Simferopol đều đã bị đình chỉ.
Crimea cũng tuyên bố sẽ sớm nắm quyền sở hữu các công ty nhà nước của Ukraine trên lãnh thổ bán đảo này. Trong số các tài sản này có Công ty khai thác dầu khí ở biển Đen và biển Azov “Chernomorneftegaz”, Nhà máy quang điện Crimea, Công ty đường sắt nhà nước Ukraine và một số khu nghỉ mát vốn thuộc quyền sở hữu của nhiều bộ ở Kiev.
Thùy Dương