Cuộc tuần hành do Liên minh nghiệp đoàn châu Âu (ETUC) khởi xướng, với sự tham gia của các thành viên nghiệp đoàn của Bỉ, Pháp, Italy, Tây Ban Nha... Sự kiện được tổ chức cùng thời điểm diễn ra hội nghị các Bộ trưởng tài chính EU tại Brussels thảo luận về các quy định ngân sách mới. Những người tham gia tuần hành kêu gọi tăng lương và cải thiện bình đẳng giới về tiền lương, đồng thời bày tỏ phản đối các biện pháp cắt giảm ngân sách cho hệ thống lương hưu, an sinh xã hội và dịch vụ công.
Ngoài vấn đề tiền lương và chính sách chi tiêu, những người tham gia cuộc tuần hành cũng kêu gọi EU thực hiện các chính sách bảo vệ môi trường và khí hậu, tạo ra việc làm chất lượng, đảm bảo các dịch vụ công đến được với người dân và giảm bất bình đẳng.
Các Bộ trưởng tài chính EU đã gặp nhau ở Brussels trong hai ngày 7-8/12 vừa qua để thảo luận về các quy định tài chính, nhưng hội nghị đã kết thúc mà không đi đến thỏa thuận. Theo giới chuyên gia, các bộ trưởng EU có thể sẽ tiếp tục nhóm họp ở Brussels trong tuần này.
Các quy định tài chính của EU được đặt ra để đảm bảo giá trị của đồng euro, với mức giới hạn thâm hụt ngân sách là 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và giới hạn nợ công là 60% GDP. Tuy nhiên, hầu hết các nước thành viên EU đều vượt quá giới hạn này trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và khủng hoảng giá năng lượng đã buộc các chính phủ phải chi tiêu rất lớn.
Hiện chính phủ các nước EU đang nỗ lực thảo luận về những thay đổi trong khuôn khổ có tính đến sự khác biệt lớn về mức nợ và tăng trưởng kinh tế giữa các nước EU trong khi vẫn đảm bảo đối xử bình đẳng. Bất đồng lớn nhất hiện nay là Đức muốn áp dụng các tiêu chuẩn giảm nợ hằng năm giống nhau với tất cả các nước thành viên, trong khi Pháp lại cho rằng các giải pháp giảm nợ cần được đàm phán riêng rẽ là tốt nhất, do chính sách chung áp dụng với tất cả các nước đã không còn hiệu quả.