Một hệ phóng tên lửa chống hạm của Nhật Bản ở căn cứ Naha thuộc tỉnh Okinawa. Ảnh: AFP |
Tờ Yomiuri của Nhật Bản mới đây tiết lộ nước này đang nghiên cứu phát triển tên lửa chống hạm kiểu mới sử dụng nhiên liệu rắn, có tầm bắn tới 300 km, dự định trước năm 2023 sẽ bố trí ở quần đảo Sakishima và đảo Miyako-jima thuộc Okinawa, cách quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc chỉ khoảng 170 km.
Giới phân tích cho rằng thông qua kế hoạch phát triển tên lửa chống hạm loại mới trên, Nhật Bản hi vọng sẽ tăng cường năng lực tấn công từ xa, nâng cao quyền kiểm soát đối với vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhằm đối phó với hàng loạt hành động của tàu thuyền Trung Quốc tại đây.
Trong một diễn biến liên quan, tạp chí Diplomat của Nhật Bản cho biết thêm tên lửa chống hạm loại mới của Nhật Bản được trang bị hệ thống dẫn đường theo GPS, đặt trên xe phóng chuyên dụng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc di chuyển và bố trí. Chúng ra đời giúp khắc phục những khiếm khuyết của tên lửa chống hạm siêu âm mà Lực lượng Phòng vệ nước này hiện có như có tầm bắn tương đối ngắn, chỉ khoảng 200 km.
Về phần mình, hãng tin Nga Sputnik ngày 15/8 đăng bài với tiêu đề “Trung Quốc lo lắng Nhật Bản sẵn sàng chiến tranh ở quần đảo tranh chấp”, cho rằng quyết định nghiên cứu phát triển tên lửa chống hạm loại mới của Nhật Bản đã vấp phải sự chỉ trích từ phía Trung Quốc, Bắc Kinh nghi ngờ Tokyo có thể đang chuẩn bị chiến tranh xảy ra ở quần đảo tranh chấp.
Theo Giáo sư Chu Vĩnh Thanh (Zhou Yongsheng) thuộc Viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Ngoại giao Trung Quốc, loại tên lửa nêu trên của Nhật Bản có thể có tầm bắn vượt hệ thống tên lửa S-300 của Nga và tiên tiến hơn của Trung Quốc. Nếu Nhật Bản sở hữu chúng, điều đó có nghĩa Tokyo đã sẵn sàng cho cuộc đấu tranh cứng rắn hơn.