Theo hãng tin AFP, phát biểu tại họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên nêu rõ các hãng tin AP, UPI, CBS và NPR phải báo cáo thông tin chi tiết về nhân viên, hoạt động tài chính và các bất động sản mà họ đang sở hữu tại Trung Quốc. Người phát ngôn khẳng định các hành động của Trung Quốc hoàn toàn là động thái đáp trả việc Mỹ gây sức ép với các tổ chức truyền thông Trung Quốc tại Mỹ.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 22/6 đã công bố quyết định thay đổi quy chế đối với 4 hãng truyền thông nhà nước của Trung Quốc. Theo quy chế mới, Bộ Ngoại giao Mỹ xếp 4 hãng truyền thông của Trung Quốc, gồm Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), Nhân dân Nhật báo, Thời báo Hoàn cầu và hãng tin China News Service (CNS), vào nhóm các phái bộ ngoại giao nước ngoài, thay vì là những cơ quan thường trú truyền thông tại Mỹ. Theo quy chế mới, 4 hãng truyền thông trên của Trung Quốc sẽ phải báo cáo Bộ Ngoại giao Mỹ thông tin chi tiết về nhân sự và các giao dịch bất động sản ở Mỹ, mặc dù không bị giới hạn hoạt động đưa tin.
Trước đó, hồi tháng 3/2020, liên quan đến hoạt động của các cơ quan truyền thông, Trung Quốc và Mỹ đã có hành động trả đũa lần nhau, xuất phát từ việc Nhà Trắng yêu cầu 5 cơ quan truyền thông Trung Quốc tại Mỹ giảm số lượng phóng viên thường trú từ 160 người xuống còn 100 người từ ngày 13/3.
Đáp lại, ngày 17/3, Bắc Kinh tuyên bố trục xuất ít nhất 13 nhà báo Mỹ làm việc cho các tờ New York Times, Washington Post và Wall Street Journal, đồng thời yêu cầu các chi nhánh của 3 hãng báo chí này cùng tạp chí Time và đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) kê khai thông tin về nhân viên, tài chính, tài sản cố định và hoạt động tại Trung Quốc.