Ngày 9/10, Bộ Tư pháp Nga đã gửi thư tới một số cơ quan truyền thông Mỹ - gồm Radio Free Europe/Radio Liberty và Voice of America - cảnh báo các hãng này "vi phạm nghiêm trọng luật pháp Nga". Hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti của Nga cũng xác nhận sự tồn tại của bức thư trên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tại Moskva. Ảnh: EPA/TTXV |
Các hãng truyền thông Mỹ cho biết đã nhận được bức thư cảnh báo rằng hoạt động của họ tại Nga có thể thuộc phạm vi điều chỉnh của đạo luật yêu cầu các tổ chức phi chính phủ tại Nga đăng ký hoạt động như các "tác nhân nước ngoài". Theo luật có hiệu lực năm 2012 này, các nhóm hoặc tổ chức có các "hoạt động chính trị" và được nước ngoài tài trợ phải đăng ký hoạt động với tên gọi "tác nhân nước ngoài", cụm từ nhắc nhớ đến hoạt động do thám thời Chiến tranh Lạnh.
Chiểu theo quy định này, một số tổ chức phi chính phủ của nước ngoài tại Nga đã phải từ chối tiếp nhận quỹ từ nước ngoài, trong khi nhiều số tổ chức phải đóng cửa. Tuy nhiên, luật chưa áp dụng đối với các cơ quan đại diện truyền thông nước ngoài tại Nga.
Nguồn tin của truyền thông Mỹ nhấn mạnh rằng "các hành động này chỉ liên quan đến truyền thông Mỹ, và đây là một biện pháp ngoại lệ nhằm đáp trả nguy cơ hãng RT của Nga bị coi là 'tác nhân nước ngoài' tại Mỹ".
Tháng trước, Bộ Tư pháp Mỹ đã đề nghị RT đăng ký hoạt động dưới danh nghĩa một "tác nhân nước ngoài" và đặt hạn chót là ngày 17/10 tới phải đăng ký theo Đạo luật Đăng ký cơ quan nước ngoài (FARA). Luật này được Mỹ thông qua năm 1938 nhằm trấn áp các hoạt động tuyên truyền của Đức quốc xã. Ngoài tập đoàn truyền thông RT, các hãng TASS, Sputnik cùng nhiều tờ báo và nhà báo của Nga cũng bị cản trở hoạt động tại Mỹ.
Điện Kremlin đã chỉ trích "sức ép chưa từng thấy" mà RT đang phải hứng chịu tại Mỹ, đồng thời cảnh báo các biện pháp đáp trả tương xứng. RT là mạng lưới truyền hình của Nga, cung cấp thông tin kinh tế, chính trị, xã hội trên toàn thế giới với thông tin đa chiều bằng nhiều thứ tiếng như Anh, Tây Ban Nha và Arab.
Hồi tháng 1/2017, một báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ về vấn đề Nga can thiệp bầu cử Mỹ cho rằng RT thực chất là kênh tuyên truyền quốc tế của Điện Kremlin nhằm ủng hộ ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump. RT bác bỏ các cáo buộc từ phía Mỹ cho rằng nội dung thông tin quảng cáo của hãng ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Trong một diễn biến liên quan, tờ Washington Post ngày 9/10 đưa tin Google, một thương hiệu của tập đoàn Alphabet, đã phát hiện bằng chứng cho thấy nền tảng tìm kiếm của mình bị các nhà mạng Nga khai thác để tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Báo trên dẫn lời một số người biết về cuộc điều tra của Google cho biết "đã phát hiện hàng chục nghìn USD được các tác nhân của Nga chi cho việc quảng cáo trên các sản phẩm của Google nhằm lan truyền các thông tin không chính xác".
Các sản phẩm của Google bao gồm YouTube, Gmail, và mạng quảng cáo DoubleClick. Google cho biết đã "xây dựng các quy định khắt khe về quảng cáo, bao gồm hạn chế quảng cáo chính trị và cấm quảng cáo nhằm mục đích tôn giáo và sắc tộc. Hiện Google đang "điều tra các âm mưu lạm dụng hệ thống, và phối hợp với các nhà nghiên cứu và các công ty khác cũng như cung cấp hỗ trợ cho các cuộc điều tra đang diễn ra".
Hiện, Facebook, Google và Twitter đang đối mặt với các nghi vấn bị lôi kéo tham gia vào chiến dịch giúp ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Gần đây nhất, Facebook thừa nhận rằng trong khoảng thời gian từ tháng 6/2015 đến tháng 5 năm nay, 470 tài khoản được cho là có yếu tố Nga đã chi 100.000 USD để thực hiện 3.000 quảng cáo có nội dụng vận động chính trị trên trang mạng xã hội lớn nhất thế giới này.
Hãng này sau đó tuyên bố sẽ chia sẻ với các điều tra viên của Quốc hội Mỹ các quảng cáo chính trị trên để phục vụ điều tra. Theo kế hoạch, cả ba tập đoàn này sẽ tham gia một phiên điều trần tại Ủy ban Tình báo Thượng viện vào ngày 1/11 tới để đưa ra các bằng chứng cáo buộc Nga can dự cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Điện Kremlin bác bỏ mọi cáo buộc thao túng cuộc bỏ phiếu này.