Trung Quốc tìm đồng minh để đối trọng với các liên minh của Mỹ

Trung Quốc đang đẩy mạnh mối liên hệ với các đối tác như Nga và Iran đồng thời sử dụng lệnh trừng phạt và cảnh cáo để làm rạn nứt các liên minh của Washington.

Chú thích ảnh
Quốc kỳ Mỹ-Trung Quốc trong một sự kiện bên ngoài Lầu Năm Góc. Ảnh: Reuters

Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã liên kết với nhiều nước khác để cứng rắn hơn với Trung Quốc trước các vấn đề như nhân quyền và an ninh khu vực.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu với Reuters: “Trung Quốc cương quyết phản đối phía Mỹ tham gia vào khối chính trị cùng tư tưởng và hình thành nhóm chống Bắc Kinh. Chúng tôi hy vọng những quốc gia liên quan sẽ thấy rõ lợi ích của riêng họ và không trở thành công cụ chống Trung Quốc của Mỹ”.

Sau cuộc đối thoại kéo dài hai ngày tại bang Alaska hôm 19/3 với sự tham gia của quan chức cấp cao Mỹ-Trung Quốc, Bắc Kinh liền có xu hướng thân thiết hơn với những nước như Nga, Iran và Triều Tiên, vốn đều chịu các lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Ông Li Mingjiang tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore đánh giá: “Trung Quốc lo lắng về chính sách ngoại giao liên minh của Mỹ”. Do vậy, ông Mingjiang cho rằng Bắc Kinh đang cố gắng thúc đẩy quan hệ với những chính phủ cũng đang chịu sức ép từ phương Tây.

Vài ngày sau cuộc gặp tại Alaska, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. Ngoại trưởng Nga trong chuyến công du Trung Quốc lần này đã kêu gọi Moskva và Bắc Kinh cùng chống lại ý thức hệ của phương Tây.

Một tuần sau, Ngoại trưởng Vương Nghị bay đến Iran và ký kết thỏa thuận hợp tác 25 năm ước tính có tổng trị giá 500 tỷ USD giữa Bắc Kinh và Tehran. Ông Vương Nghị được đánh giá là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc từng đến Tehran kể từ chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình năm 2016. Sự kiện ký thỏa thuận diễn ra ở thời điểm cả hai chính phủ dự kiến đối mặt với căng thẳng lớn liên quan tới Mỹ.

Ngoại trưởng Vương Nghị còn gặp gỡ những người đồng cấp Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Hàn Quốc tại tỉnh Phúc Kiến trong những tuần gần đây. Ông Li Mingjiang cho biết Trung Quốc cam kết hỗ trợ những quốc gia này phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19. Ngoài ra, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng có trao đổi với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, kêu gọi hình thành đối tác thân thiết hơn.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp ngày 22/3. Ảnh: Reuters

Chính quyền Tổng thống Biden đã gây áp lực cho Bắc Kinh lên những vấn đề tương tự chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump. Nhưng ông Biden ưu tiên chiến lược tập trung hình thành liên minh đối trọng với Trung Quốc. Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Biden với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 16/4, Washington và Tokyo đã thể hiện hình thành mặt trận đồng nhất đối đầu với Trung Quốc về nhiều vấn đề.

Trong tháng 3, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh và Canada đã áp đặt các lệnh trừng phạt lên Trung Quốc với cáo buộc có tình trạng lao động ép buộc tại Tân Cương. Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc này.
Đức, Anh, Hà Lan, Canada và Pháp gần đây cùng phối hợp với Mỹ triển khai hoặc lên kế hoạch điều chiến hạm di chuyển qua Biển Đông.

Trung Quốc đã bày tỏ không hài lòng trước diễn biến Mỹ thể hiện thân thiết với các đồng minh. Theo các chuyên gia, hiện nay Bắc Kinh áp dụng chiến thuật làm yếu liên minh của Mỹ qua khuyến khích các nước liên kết độc lập với Trung Quốc, đặc biệt là vì lợi ích kinh tế. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng cảnh cáo trừng phạt những quốc gia này nếu tham gia các hoạt động đối đầu với Bắc Kinh

Giám đốc chương trình châu Á tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu-ông Janka Oertel cho rằng Trung Quốc đã chuẩn bị cho tình huống hy sinh lợi ích kinh tế cho lợi ích chiến lược nếu bị đe dọa bởi liên minh Mỹ-EU.

Trung Quốc đồng thời không từ bỏ thuyết phục Mỹ rằng hợp tác tốt hơn cạnh tranh. Mới đây nhất, Trung Quốc đã cam kết với đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry sẽ ủng hộ hội nghị thượng đỉnh khí hậu trực tuyến của Tổng thống Biden.

Hà Linh/Báo Tin tức
Tòa án Tối cao Mỹ dự kiến 'chặn cửa' thẻ xanh với một số đối tượng đặc biệt
Tòa án Tối cao Mỹ dự kiến 'chặn cửa' thẻ xanh với một số đối tượng đặc biệt

Tòa án Tối cao Mỹ ngày 19/4 có chủ trương ngăn hàng nghìn người nhập cư sống tại Mỹ đăng ký trở thành công dân vĩnh viễn với tấm thẻ xanh, đi ngược lại mong muốn của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN