Cảng container tại Thiên Tân, Trung Quốc ngày 8/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Theo hãng tin Reuters, cuộc họp này diễn ra khi mức thuế của Mỹ áp lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc gần như tăng gấp đôi lên 104% vào ngày 9/4. Đây là cuộc họp cấp cao đầu tiên của Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng áp lên hàng hóa Trung Quốc vào tuần trước.
Theo hai nguồn tin, các quan chức cấp cao thuộc Quốc vụ viện cùng nhiều cơ quan chính phủ và cơ quan quản lý dự kiến tham dự cuộc họp, trong đó dự kiến có cả đại diện Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Cơ quan Quản lý Tài chính Quốc gia và Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc.
Giới chức Trung Quốc sẽ bàn thảo các biện pháp nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa và hỗ trợ thị trường vốn. Các sáng kiến như hoàn thuế xuất khẩu cũng có khả năng được đưa ra thảo luận.
Một số biện pháp nhằm kích thích nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể sẽ được triển khai trong vài tuần tới.
Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc chưa phản hồi ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc dự kiến đưa tin một phần nội dung chương trình cuộc họp, trong bối cảnh chính quyền đang tìm cách ổn định kinh tế và thị trường cũng như khôi phục niềm tin.
Trong khi đó, trong một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiến khẳng định nước này cam kết sẽ thực hiện các biện pháp kiên quyết và hiệu quả để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Ông nói: “Mỹ vẫn đang áp đặt các mức thuế tùy tiện lên Trung Quốc và không ngừng gây sức ép cực đoan. Trung Quốc kiên quyết phản đối và sẽ không bao giờ chấp nhận. Nếu Mỹ phớt lờ lợi ích của cả hai nước và cộng đồng quốc tế, cố ý phát động chiến tranh thuế quan và chiến tranh thương mại, Trung Quốc sẽ chiến đấu đến cùng”.
Trung Quốc chưa công bố các biện pháp trả đũa ngay lập tức đối với vòng áp thuế mới nhất của ông Trump.
Ngày 8/4, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nói rằng các chính sách của Trung Quốc năm nay đã tính đến đầy đủ các tình huống khó lường khác nhau, đồng thời khẳng định nước này hoàn toàn có khả năng ứng phó với các ảnh hưởng bất lợi từ bên ngoài.
Trong bối cảnh tâm lý thị trường tài chính, chứng khoán dao động, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Trung Quốc đã thông báo các biện pháp hỗ trợ thị trường vốn, bơm nguồn lực tài chính thực tế, mang lại niềm tin và góp phần ổn định thị trường.
Sáng 8/4, trước khi thị trường mở cửa, một loạt thông tin lớn được phát đi nhằm phát tín hiệu tích cực duy trì sự ổn định của thị trường vốn. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tuyên bố sẽ kiên quyết ủng hộ nỗ lực bình ổn thị trường chứng khoán của Quỹ đầu tư nhà nước Central Huijin.
Cục Quản lý Tài chính ban hành thông báo nâng giới hạn tỷ lệ phân bổ tài sản vốn chủ sở hữu thêm 5% với một số phân khúc nhằm cung cấp thêm vốn sở hữu cho nền kinh tế thực.
Trước đó, từ chiều 7/4, một loạt động thái ổn định thị trường đã liên tiếp được triển khai. Các doanh nghiệp nhà nước lớn như China Chengtong, China Reform Holdings cũng thông báo tăng mua cổ phiếu, tăng cường tín hiệu tích cực và củng cố niềm tin nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nhiều công ty niêm yết như CATL, Haier Smart Home, Wanhua Chemical… công bố kế hoạch mua lại hoặc tăng mua cổ phiếu, thể hiện niềm tin mạnh mẽ vào triển vọng phát triển tương lai.