Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) ngày 24/8 cho biết trong báo cáo điều tra nguồn gốc COVID-19, cộng đồng tình báo Mỹ sẽ tìm cách xác nhận những luận điểm mang tính đã định đoạt từ trước và đẩy trách nhiệm đối với bùng phát đại dịch. Tuyên bố được đưa ra tại thời điểm tình báo Mỹ phải đệ trình báo cáo lên Tổng thống Joe Biden vào cuối ngày 24/8 (giờ địa phương), theo thời hạn 90 ngày điều tra mà ông Biden công bố hồi tháng 5.
Theo ông Uông Văn Bân, những sản phẩm được tiếng là nghiên cứu của tình báo Mỹ sẽ không dựa trên dữ liệu và sự thật. Với báo cáo điều tra nguồn gốc COVID-19, tài liệu đó sẽ không có gì khác ngoài việc cắt ghép thông tin rời rạc để quy kết trách nhiệm và khẳng định những kết luận đã được đặt điều từ trước với một số chứng cứ lựa chọn.
Ông cũng kêu gọi Mỹ dừng ngay việc chính trị hóa yếu tố điều tra nguồn gốc COVID-19 – một việc làm mà Trung Quốc cho rằng sẽ hủy hoại hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. “Chúng tôi kêu gọi Mỹ dừng việc thao túng chính trị và trở về với con đường nghiên cứu khoa học về nguồn gốc virus càng sớm càng tốt”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
Điều tra nguồn gốc COVID-19 hiện là tâm điểm gây nhiều mâu thuẫn. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết còn quá sớm để loại bỏ giả thuyết virus lây lan từ phòng thí nghiệm. WHO nhấn mạnh việc mở lại cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19 không phải hành động “đổ thêm dầu vào lửa” hay mang “động cơ chính trị” như Trung Quốc đánh giá. Loạt nghiên cứu tiếp theo sẽ bao gồm việc kiểm tra, rà soát dữ liệu thô ở cấp độ sâu về những ca nhiễm bệnh, mẫu huyết thanh nghi nhiễm COVID-19 đầu tiên xuất hiện năm 2019.
“Tiếp cận dữ liệu có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp hoàn thiện cách hiểu của chúng ta về khoa học. Chia sẻ dữ liệu thô và cho phép tái kiểm định các mẫu trong phòng thí nghiệm bên ngoài Italy là minh chứng cao nhất cho đoàn kết khoa học. Theo hướng này, chúng tôi hối thúc tất cả các nước, trong đó có Trung Quốc, có tham gia đóng góp để thúc đẩy điều tra nguồn gốc [COVID-19] một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất”, thông cáo của WHO hôm 12/8 nêu rõ.
Theo quan điểm của WHO, việc điều tra nguồn gốc đại dịch tồi tệ nhất trong thế kỉ là rất cấp bách. Tính từ khi COVID-19 bùng phát đến nay, đã có hơn 4,3 triệu người thiệt mạng vì dịch bệnh, cùng với đó là tổn thất to lớn đối với kinh tế toàn cầu. WHO đưa ra lời kêu gọi được phép tiếp cận mọi dữ liệu cần thiết để có thể bắt tay loạt nghiên cứu kế tiếp.
Trung Quốc ngay lập tức đã phản bác kế hoạch điều tra giai đoạn 2 mà WHO khởi xướng. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 22/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc Zeng Yixin cho rằng kế hoạch trên đã bị chính trị hóa và vì thế không thể chấp nhận được. Ông chỉ trích những đề xuất của WHO là sự “nhục mạ đối với những lẽ thường, sự ngạo mạn trước khoa học”.