Tính toán của các bên ở Mỹ trong cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19

Cuộc tranh cãi quanh nguồn gốc đại dịch COVID-19 một lần nữa lại bùng lên, dấy lên nhiều câu hỏi về động cơ chính trị thực sự của các phe phái ở Mỹ.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc họp báo ở Washington, DC, ngày 21/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo kênh CNN, ngày 26/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo ông đã ra lệnh cho các cơ quan tình báo Mỹ điều tra và báo cáo về nguồn gốc của COVID-19 trong vòng 90 ngày. Ông muốn biết virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ động vật rồi lan sang người hay có khả năng thoát ra ngoài từ phòng thí nghiệm Trung Quốc.

Tại Mỹ, đại dịch COVID-19 đã khiến cả cựu Tổng thống Donald Trump và ông Biden phải đối mặt với lời kêu gọi minh bạch khi điều tra về nguồn gốc virus và không chịu áp lực chính trị. 

Trên thế giới, cuộc điều tra có thể gây tổn hại cho tình hình địa chính trị, tiềm ẩn kích hoạt một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Hiện nay, xuất hiện nhiều lời kêu gọi ở Mỹ về yêu cầu Trung Quốc phải trả giá vì gây ra đại dịch, cho dù còn chưa ai rõ chính xác nguồn gốc của virus này. Bắc Kinh khẳng định việc điều tra về nguồn gốc đại dịch đang bị chính trị hóa.

Tuy nhiên, tìm được câu trả lời về nguồn gốc COVID-19 không phải dễ dàng đối với ông Biden. Đối diện áp lực chính trị, ông Biden đã đặt ra hai giả thiết mà tình báo Mỹ coi là “có thể”.

Thứ nhất, virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ động vật, có thể là động vật sống trong chợ hải sản ở Vũ Hán, rồi lây sang con người. Đây là giả thiết mà các chuyên gia y tế công cộng cho là đáng tin cậy nhất. 

Trong khi chưa có kết luận chắc chắn, ông Biden cho biết giả thiết thứ hai được đặt ra khi một bộ phận tình báo Mỹ ngả về khả năng virus lọt ra ngoài từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Áp lực với ông Biden trong điều tra về COVID-19 còn nhiều hơn sau khi tờ Wall Street Journal tiết lộ rằng một số nhà nghiên cứu virus Trung Quốc đã phải nhập viện điều trị căn bệnh giống COVID-19 hồi cuối năm ngoái. Trước đó, ông Biden đã chấm dứt cuộc điều tra về nguồn gốc COVID-19 mà ông Trump đã thực hiện trong những ngày cuối nhiệm kỳ. 

Đối diện tình thế khó khăn khi bị nhóm của ông Trump và phe Cộng hòa gây áp lực, ông Biden buộc phải mở lại cuộc điều tra nói trên. 

Như đã nói ở trên, cuộc điều tra sẽ không dễ dàng và các chuyên gia y tế nhấn mạnh cần phải khách quan, đáng tin cậy.

Tiến sĩ Leana Wen, cựu ủy viên y tế bang Baltimore cho biết cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19 cần dựa trên phương pháp khoa học, có nghĩa là điều tra viên tránh bắt đầu công việc mà đã có sẵn kết luận trong đầu rồi chọn những dữ liệu phù hợp với kết luận đó. 

Lo ngại này chính là lý do mà ông Biden đã cho ngừng cuộc điều tra của chính quyền tiền nhiệm. Lúc này, ông Biden cần phải chứng minh mình có quyền lực và sẵn sàng truy dấu nguồn gốc virus mà không vội đưa ra kết luận trước như thời ông Trump. Cái khó nằm ở chỗ ông Biden lại ra lệnh cho các cơ quan tình báo điều tra trong khi họ khó có thể vào được Trung Quốc. Hơn nữa, hiện cũng chưa rõ Trung Quốc có đầy đủ thông tin về nguồn gốc virus hay không. Thời điểm bắt đầu đại dịch cũng rất khó tìm ra.

Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm của Mỹ, phát biểu ngày 25/5: “Nhiều người cảm thấy COVID-19 nhiều khả năng xảy ra tự nhiên, tức là xuất phát từ động vật rồi lây sang người. Nhưng chúng ta không biết chắc 100%”.

Trong cuộc điều tra về COVID-19, áp lực chính trị với ông Biden còn liên quan tới Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) – tổ chức bác bỏ giả thiết nguồn gốc phòng thí nghiệm của virus. Năm 2020, phe Dân chủ đã chỉ trích ông Trump vì rút Mỹ khỏi WHO với lý do cơ quan này bị Trung Quốc chi phối. Sau khi ông Biden lên nắm quyền, Mỹ đã trở lại WHO. Giả sử thông qua cuộc điều tra này, mối quan hệ giữa Trung Quốc và WHO đúng như hoài nghi của phe Cộng hòa, ông Biden sẽ phải chứng kiến cảnh phe Cộng hòa đắc ý vì mình đúng.

Chú thích ảnh
Ông Donald Trump phát biểu với báo giới tại Washington, DC, ngày 21/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Gần đây, một số quan chức Nhà Trắng cho rằng phía WHO và Trung Quốc cần phải minh bạch hơn và hỗ trợ hơn các điều tra viên khoa học, giúp họ tiếp cận phòng thí nghiệm. Quan điểm này cho thấy Mỹ nghĩ WHO không có đủ năng lực và ảnh hưởng để điều tra nguồn gốc COVID-19.

Khi mở lại điều tra về COVID-19, ông Biden đã khiến người ủng hộ ông Trump đắc ý khi nói rằng họ đã đúng trong giả thiết virus xuất phát từ phòng thí nghiệm dù chưa có bằng chứng.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói: “Chúng ta cần biết điều gì đã xảy ra. Trung Quốc biết điều gì đã xảy ra. Họ biết ai là bệnh nhân số 0. Họ biết chính xác điều này bắt nguồn từ đâu”.

Về cáo buộc này, Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ. Mới đây nhất, phản ứng trước thông tin các nhà nghiên cứu Vũ Hán nhập viện do có triệu chứng giống COVID-19, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên đã khẳng định thông tin này “hoàn toàn không đúng sự thật”. 

Trước đây, ông Trump từng thay đổi liên tục và có tính toán riêng về COVID-19. Khi bị chỉ trích vì để dịch bệnh lây lan mất kiểm soát, ông đã lấy giả thiết virus xuất phát từ phòng thí nghiệm để “át” dư luận. Tuy nhiên, toan tính của ông không được như ý muốn vì dù nguồn gốc đại dịch là gì thì lịch sử cũng sẽ coi ông là người đã thờ ơ và bác bỏ mối nguy hiểm của nó, khiến Mỹ trở thành quốc gia có số ca mắc và tử vong cao nhất thế giới.

Hơn nữa, ngay từ đầu, thậm chí chính ông Trump còn ca ngợi Trung Quốc trong chống dịch bệnh để có thể ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc. Khi hậu quả của đại dịch ảnh hưởng nghiêm trọng tới triển vọng tái đắc cử, ông Trump đã lập tức thay đổi, quay trở lại cáo buộc Trung Quốc gây ra đại dịch.

Có thể nói, dù là ông Trump hay không Biden, các phe phái chính trị ở Mỹ đều có động cơ và áp lực riêng khi điều tra về nguồn gốc COVID-19.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Facebook không chặn nội dung nói COVID-19 là sản phẩm của con người
Facebook không chặn nội dung nói COVID-19 là sản phẩm của con người

Facebook thông báo từ bây giờ sẽ không chặn các nội dung nói rằng virus SARS-CoV-2 là sản phẩm của con người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN