Số ca mắc tăng vọt
Theo tờ Strait Times, tại Thái Lan, giường bệnh nhanh chóng kín chỗ sau khi xảy ra đợt bùng phát dịch mới bắt nguồn từ một số cơ sở giải trí ở thủ đô Bangkok. Từ đó, số ca mắc hàng ngày ở Thái Lan tăng cao chưa từng có hồi đầu tháng 4. Con số ca mắc COVID-19 lại tăng lần nữa sau Tết Songkran của người Thái Lan.
Kể từ đó, số ca mắc ở Thái Lan tăng theo chiều thẳng đứng, gấp hơn bốn lần, lên trên 137.000 ca tính tới 27/5. Mặc dù chính phủ trấn an người dân rằng có đủ giường bệnh để điều trị bệnh nhân COIVD-19, nhưng hơn nửa số giường bệnh đều ở bệnh viện dã chiến hoặc bệnh viện được lập trong khách sạn.
Tại nước láng giềng Malaysia, trong tuần trước, số ca mắc hàng ngày đã ở mức trên 6.000 ca. Ngày 26/5, Malaysia ghi nhận 7.478 ca mắc. Ngày trước đó, nước này lập kỷ lục về số ca tử vong hàng ngày: 61 ca.
Mặc dù tổng số ca mắc 533.000 không là gì so với 26 triệu ca ở Ấn Độ, nhưng số ca hàng ngày tính theo đầu người trong giai đoạn 7 ngày ở Malaysia lên tới 194 ca/1 triệu dân, cao hơn con số 178 ở Ấn Độ.
Tỷ lệ lây nhiễm ở Malaysia đã tăng lên 1,21, có nghĩa là có thể có 8.000 ca mắc hàng ngày vào đầu tháng tới. Bộ Y tế Malaysia cho biết trên 1/3 tổng số bệnh nhân COVID-19 mới nhập viện trong tháng 4 cần thở ôxy, cho thấy dòng virus đang hoành hành ở Malaysia có nhiều độc lực hơn.
Tại Philippines, đợt bùng phát ca mắc mới do các biến thể mới gây ra bắt đầu từ tháng 12/2020, khiến các bệnh viện nhanh chóng quá tải. Số ca mắc tăng vọt lên trên 15.000 ca/ngày, gấp ba lần mức đỉnh năm 2020. Các bệnh viện hết giường, khiến nhiều bệnh nhân tử vong ở nhà hoặc trong bãi đỗ xe. Tình hình đó khiến chính phủ buộc phải phong tỏa quyết liệt.
Các biện pháp áp đặt ở khu vực thủ đô Manila và 4 tỉnh lân cận từ 29/3 tới 10/4 đã khiến số ca mắc giảm một nửa. Dù vậy, vẫn còn mối lo làn sóng mới sắp ập tới. Tại một khu vực ở phía nam khu đô thị Manila, 55% người đi xét nghiệm có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Ngoài các biến thể Anh, Nam Phi và Brazil, Philippines còn phát hiện ra biến thể có khả năng lây lan cao hơn là biến thể Ấn Độ.
Mặc dù số ca mắc mới bùng nổ ở Thái Lan và Malaysia là đáng lo nhưng các chuyên gia lo ngại hơn về tình hình ở các nước mà hệ thống y tế kém hơn như Campuchia, Lào và Myanmar.
Campuchia và Lào phần lớn bình an vô sự trước đại dịch vào năm 2020 nhờ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Tuy nhiên, lao động ở nước ngoài về nước và người nước ngoài nhập cảnh đã mang mầm bệnh vào Campuchia và Lào.
Tại Campuchia, biến thể Anh B117 đã gây ra làn sóng dịch bệnh mới hồi tháng 3. Các bệnh viện quá tải tới mức Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 7/4 đã phải ra lệnh cho các quan chức y tế chuẩn bị điều trị bệnh nhân COVID-19 ở nhà. Ông nói: “Chúng ta không thể nhận mọi bệnh nhân nếu số ca mắc tăng hơn”. Ba ngày sau, ông thông báo số ca mắc đã đạt mức mà các bệnh viện không thể tiếp nhận nổi.
Số ca mắc ở Campuchia tăng vọt 50 lần từ tháng 2, lên 26.989 ca tính tới 27/5. Ngày 1/2, nước này mới có 466 ca mắc.
Trong khi đó, tại Myanmar, từ khi chìm trong khủng hoảng chính trị từ ngày 1/2, Myanmar đã ngừng cập nhật đầy đủ số ca mắc COVID-19 hàng ngày.
Tiến sĩ Abhishek Rimal, điều phối viên y tế khẩn cấp châu Á-Thái Bình Dương thuộc Liên đoàn Quốc tế Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ (IFRC), nói: “Nếu nói về số ca mắc tuyệt đối, Thái Lan và Malaysia đứng hàng đầu. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng hai nước này có tỷ lệ người được xét nghiệm cao và có hệ thống y tế tốt. Còn ở Campuchia, Lào và Myanmar, họ không có hệ thống y tế phát triển như vậy. Vì thế, số ca mắc gia tăng ở những nước này sẽ là vấn đề quan ngại”.
Con số tử vong thực tế
COVID-19 đã gây ra mất mát về sinh mạng nhiều chưa từng thấy. Tính trên toàn Đông Nam Á, có tới 78.000 người thiệt mạng tính tới 27/5. Tuy nhiên, con số thực có thể còn cao hơn nhiều.
Nghiên cứu cho thấy trên 70% ca mắc không có triệu chứng, có nghĩa là nhiều người mắc bệnh mà không ai biết. Trong đợt bùng phát dịch trước đó ở Philippines, phần lớn người tử vong ở nhà hoặc khi chờ nhập viện đều không nằm trong danh sách thống kê của Bộ Y tế, vì họ chưa được xét nghiệm hoặc chưa có kết quả xét nghiệm thì đã được chôn cất rồi.
Một số nước nghèo không có trang thiết bị để xét nghiệm diện rộng, truy vết tiếp xúc, cách ly bệnh nhân. Nhiều người dân cũng tránh tới viện, kể cả nếu mắc COVID-19 vì sợ bị kỳ thị.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết số người tử vong vì COVID-19 có thể gấp ba con số chính thức.
Tạp chí Economist dự báo tổng ca tử vong toàn cầu có thể cao gấp bốn lần, ở mức 7-13 triệu ca, phần lớn là ở nước thu nhập thấp và trung bình.
Những gì đang diễn ra ở Đông Nam Á cũng tương tự ở Ấn Độ và Nepal. Tại Malaysia, hàng nghìn người tìm cách di chuyển từ bang này sang bang khác trong lễ hội Hari Raya Aidilfitri trong tháng 5, bất chấp có lệnh cấm đi lại.
Tại Indonesia, số ca mắc mới có thể tăng vọt khi 2,6 triệu người trở về các thành phố lớn sau lễ Hari Raya Aidilfitri.
Thiệt hại kinh tế
Trong bối cảnh dịch bệnh, những người phải kiếm sống qua ngày không có lựa chọn nào. Họ phải ra khỏi nhà để kiếm ăn.
Tại Philippines, mỗi lần xét nghiệm mất 4.000 peso (gần 2 triệu đồng), cao gấp 8 lần mức lương tối thiểu hàng ngày, nên nhiều người ngại đi xét nghiệm. Nếu có kết quả dương tính, họ sẽ phải cách ly ít nhất 2 tuần. Với ai phải kiếm tiền hàng ngày thì điều này là thảm họa.
Phong tỏa nghiêm ngặt cũng ảnh hưởng tới người dân khó khăn ở Campuchia.
Khó khăn này cũng cho thấy tình thế tiến thoái lưỡng nan ở Philippines và Malaysia – nơi mà chính phủ chưa phong tỏa toàn diện để ngăn kinh tế rơi tự do.
Trong các nền kinh tế Đông Nam Á, chỉ Singapore và Việt Nam có tăng trưởng. GDP ở Malaysia giảm 0,5% trong quý đầu năm nay, Philippines giảm 4,2%. Indonesia và Thái Lan đều tăng trưởng âm.