Theo kênh CNN, nhiều người mắc nấm đen là bệnh nhân COVID-19 hoặc người mới khỏi COVID-19, đối tượng mà hệ miễn dịch suy yếu do SARS-CoV-2 hoặc có bệnh nền, phần lớn là bệnh tiểu đường.
Trong thời gian vài tuần, Ấn Độ đã ghi nhận hàng nghìn ca bệnh nấm đen, trong đó hàng trăm người phải nhập viện và ít nhất 90 người tử vong. Hai bang đã phải tuyên bố nấm đen là bệnh dịch và chính phủ trung ương đã phải chú ý tới căn bệnh này.
Triệu chứng bệnh nấm đen và con đường lây nhiễm là gì?
Nấm đen là bệnh xuất phát từ một loại nấm thuộc nhóm Mucorales, phổ biến nhất là Rhizopus, có trong môi trường ẩm ướt như đất hoặc phân trộn. Bệnh có thể tấn công đường hô hấp. Bệnh không lây nhiễm và không truyền từ người qua người.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, một số loại nấm có thể gây ra căn bệnh này. Chúng vô hại với phần lớn người, nhưng có thể gây viêm nhiễm nghiêm trọng ở những người có hệ miễn dịch yếu. Nấm đen thường ảnh hưởng tới xoang hoặc phổi của người hít phải bào tử nấm trong không khí và cũng có thể ảnh hưởng tới da thông qua vết thương trên da như vết cắt hoặc bỏng.
Triệu chứng của bệnh tùy vào vị trí nấm phát triển trên cơ thể người, có thể gồm các triệu chứng như sưng mặt, sốt, loét da, miệng có tổn thương màu đen.
Bộ Y tế Ấn Độ cho biết có thể nhận biết người mắc bệnh nấm đen khi xuất hiện tình trạng viêm nhiễm da ở khu vực xoang sau trán, mũi, gò má, khu vực giữa 2 mắt và răng. Sau đó, viêm nhiễm lan ra mắt, phổi và thậm chí có thể lan tới não. Sau đó, mũi bệnh nhân chuyển màu đen hoặc đổi màu, mắt nhìn mờ và nhòe, đau ngực, khó thở và ho ra máu.
Tiến sĩ Hemant Thacker, chuyên gia hội chứng tim mạch chuyển hóa tại Bệnh viện Breach Candy ở Mumbai, nói: “Một trong những phương thức mà bệnh nấm Mucor lan ra khắp nơi là xâm nhập mạch máu. Bệnh làm tổn hại tuần hoàn máu tới cơ quan ngoại biên và do đó gây ra tình trạng hoại tử, sau đó khiến phần này biến thành màu đen. Đó chính là nguồn gốc tên gọi nấm đen”.
Trong các ca nặng nhất, tình trạng viêm nhiễm lan từ mạch máu lên não, có thể gây mất thị lực hoặc tạo ra “lỗ” trên mặt. Nếu không được kiểm soát hoặc điều trị, tỷ lệ tử vong là từ 20 đến 50%.
Nghiên cứu năm 2005 trên 929 ca bệnh từ năm 1885 cho thấy tỷ lệ tử vong chung là 54%. Tỷ lệ tử vong phụ thuộc vào loại nấm gây bệnh và bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng. Ví dụ, nếu ai bị nấm nhiễm vào xoang thì ít nguy hiểm hơn là phổi.
Bệnh liên hệ với COVID-19 thế nào?
Đối tượng dễ nhiễm nấm đen là người có hệ miễn dịch bị tổn thương, như bệnh nhân COVID-19, bệnh nhân tiểu đường, người dùng thuốc steroid, những người có bệnh nền như ung thư hoặc người từng cấy ghép bộ phận cơ thể.
Bệnh nhân COVID-19 đặc biệt dễ mắc bệnh nấm đen vì virus SARS-CoV-2 không chỉ ảnh hưởng hệ miễn dịch của họ mà thuốc điều trị bệnh cũng ức chế phản ứng miễn dịch. Do các nhân tố này, bệnh nhân COVID-19 đối mặt với rủi ro thất bại trong cuộc chiến đẩy lùi các cuộc tấn công dồn dập từ nấm Murco.
Các phòng chăm sóc đặc biệt dành cho bệnh nhân COVID-19 phải thở oxy thường có máy giữ ẩm trong phòng. Điều này có thể khiến không gian xung quanh họ luôn ở trạng thái ẩm, khiến bệnh nhân dễ nhiễm nấm.
Tiến sĩ Thacker cho biết nấm nhân cơ hội không khí ẩm để xâm nhập cơ thể. Cơ thể bệnh nhân COVID-19 thường có tổn thương hở nhỏ có thể do lượng đường cao, do thuốc kháng sinh và nhiều thứ khác, nên nấm có thể lợi dụng để xâm nhập. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa mọi bệnh nhân COVID-19 đều mắc bệnh nấm đen vì bệnh này không thường gặp ở người không mắc tiểu đường.
Ở Ấn Độ, tỷ lệ tiểu đường ở người trưởng thành là 12-18%, đặc biệt cao hơn ở vùng đô thị. Ông Thacker nhận định: “Ấn Độ là thủ phủ bệnh tiểu đường của thế giới. Nơi đây có khí hậu nhiệt đới khiến nấm sinh sôi mạnh. Tất cả đã dẫn tới dịch bệnh nấm đen”.
Điều trị bệnh nấm đen ra sao?
Bệnh nhân mắc nấm đen được điều trị bằng thuốc kháng nấm, thường là truyền qua tĩnh mạch. Thuốc phổ biến nhất là Amphotericin B, một loại thuốc mà các bang Ấn Độ đang sử dụng để chữa nấm đen. Nhu cầu với thuốc Amphotericin B đang tăng cao ở Ấn Độ nhưng loại thuốc này lại đang thiếu vì các bệnh viện không lường trước được số ca mắc gia tăng.
Bệnh nhân có thể cần tới 6 tuần dùng thuốc kháng nấm mới hồi phục. Quá trình hồi phục còn tùy vào việc chẩn đoán và quá trình điều trị sớm hay muộn. Thông thường, cần phẫu thuật để cắt bỏ mô hoại tử hoặc viêm nhiễm. Ở một số bệnh nhân, phẫu thuật có thể khiến họ mất hàm trên hoặc mắt.
Bhavya Reddy, người dân ở bang Telengana, cho biết bố mình bị chẩn đoán mắc nấm đen ngày 26/4/2021 ngay khi ông đang chữa trị COVID-19. Reddy kể: “Khi ông ấy bắt đầu hồi phục sau khi mắc COVID-19 thì mặt ông ấy bắt đầu sưng lên”. Bệnh viện không có thuốc Amphotericin B và Reddy phải cầu cứu thủ hiến bang Telangana mới có thuốc chữa bệnh. Sau khi có thuốc, bố Reddy trải qua phẫu thuật nội soi xoang để giảm sưng.
Theo ông Mansukh Mandaviya thuộc Bộ Hóa chất và Phân bón, có thêm 5 công ty được phép sản xuất Amphotericin B ở Ấn Độ, nâng tổng số công ty sản xuất thuốc này lên 11.
Bệnh phổ biến tới đâu?
Bệnh nấm đen xuất hiện trên toàn cầu và tương đối hiếm gặp. Khó xác định chính xác bệnh này chủ yếu hoành hành ở đâu do không có dữ liệu và hệ thống giám sát toàn diện.
Tại Mỹ, giám sát tại phòng thí nghiệm ở khu vực vịnh San Francisco từ năm 1992 tới 1993 cho thấy tỷ lệ mắc nấm đen hàng năm là 1,7/1 triệu người.
Tuy nhiên, bệnh nấm đen dường như phổ biến hơn ở Ấn Độ. Theo nghiên cứu của các nhà vi trùng học Ấn Độ đăng hồi tháng 3/2021 trên tạp chí Vi sinh vật, số ca mắc nấm đen ở nước này cao gấp 70 lần so với dữ liệu toàn cầu. Nghiên cứu này cho rằng một lý do khiến bệnh nấm đen phổ biến là tỷ lệ người mắc tiểu đường không kiểm soát ở Ấn Độ cao hơn những nước khác. Nhiều bệnh nhân thậm chí không biết mình mắc tiểu đường cho tới khi được chẩn đoán mắc nấm đen. Điều này cho thấy người dân Ấn Độ không thường xuyên kiểm tra sức khỏe.
Theo nghiên cứu, tỷ lệ tử vong vì nấm đen ở Ấn Độ cũng cao do người bệnh đến bệnh viện muộn, chẩn đoán muộn và gặp khó khăn trong quản lý giai đoạn đầu của bệnh.
Khí hậu cũng là một nhân tố. Nấm Murco có thể phát triển trên bánh mỳ nếu để ở bên ngoài. Nấm có thể phát triển mọi nơi dưới dạng mốc. Ở những nước nhiệt đới độ ẩm cao, nấm có xu hướng sinh sôi mạnh. Các đợt bùng phát nấm đen hiện nay ở Ấn Độ cũng có thể là do nước này đang ở thời điểm mùa hè nóng ẩm.
Bang nào ở Ấn Độ xuất hiện bệnh nấm đen?
Tới tháng 5/2021, 5 bang ở Ấn Độ gồm Maharashtra, Madhya Pradesh, Haryana, Telangana và Gujarat ghi nhận trên 3.200 ca mắc nấm đen. Bang Maharashtra có số ca mắc cao nhất với trên 2.000 ca và 800 ca nhập viện. Bang này có ít nhất 90 người tử vong vì nấm đen. Bang Gujarat có ít nhất 369 ca nấm đen chỉ trong một bệnh viện.
Ngày 20/5/2021, chính phủ Ấn Độ xếp nấm đen vào danh sách bệnh phải báo cáo, có nghĩa là mọi bang và lãnh thổ phải báo cáo ca bệnh cho chính quyền liên bang. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết: “Chúng ta giờ có thách thức mới là bệnh nấm đen. Chúng ta cần thận trọng và chuẩn bị đối phó”.
Ít nhất 7 bang đã coi nấm đen là bệnh phải khai báo theo khuyến cáo của chính phủ trung ương để thu thập dữ liệu.
Ông J.V.Modi tại bệnh viện dân sự Ahmedabad ở bang Gujarat nói: “Bệnh nấm đen xuất hiện ở bệnh nhân vừa khỏi COVID-19 vì thế có một số biến chứng”. Ông cho biết bệnh viện Admedabad có số ca nấm đen tăng trong 10 ngày qua, trong bối cảnh Ấn Độ đang vượt qua đỉnh dịch của làn sóng COVID-19 thứ hai.