Theo đài RT ngày 12/7, phái đoàn Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra một tuyên bố để đáp lại thông cáo chung của NATO, trong đó khối này cáo buộc Trung Quốc theo đuổi các chính sách cưỡng chế gây thách thức cho các lợi ích của phương Tây.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Nội dung liên quan đến Trung Quốc của thông cáo đã coi nhẹ các sự thật cơ bản, cố tình bóp méo quan điểm và chính sách của Trung Quốc, đồng thời cố tình làm mất uy tín của Trung Quốc. Chúng tôi kiên quyết phản đối và bác bỏ điều này”.
Tuyên bố của các nhà ngoại giao Trung Quốc tiếp tục cam kết rằng nước này sẽ bảo vệ chủ quyền của mình và phản đối sự bành trướng về phía Đông của NATO sang châu Á - Thái Bình Dương. Tuyên bố nói thêm rằng hành động nào gây tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc sẽ bị đáp trả kiên quyết.
Các nhà lãnh đạo NATO đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh trong ngày 11 và 12/7 tại thủ đô Vilnius của Litva để thảo luận về viện trợ bổ sung cho Ukraine cùng các vấn đề khác. Lãnh đạo các nước thành viên NATO đã nhất trí tăng cường hợp tác an ninh với các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thông cáo chung của hội nghị khẳng định: "Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đóng vai trò quan trọng đối với NATO do những diễn biến trong khu vực này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của khu vực châu Âu - Đại Tây Dương".
Tại hội nghị, họ cũng đã cáo buộc Trung Quốc gây ra các mối đe dọa trên mạng, trong không gian và sử dụng không phù hợp các công nghệ mới nổi và đột phá.
Phái đoàn Trung Quốc tại EU cho rằng NATO đã không thể hiện trách nhiệm của mình và thay vào đó đổ lỗi cho các quốc gia khác, tiếp tục can thiệp vào các vấn đề ngoại giao và tạo ra đối đầu”. Phái đoàn nói thêm rằng tham vọng bành trướng của NATO là rõ ràng và cảnh báo rằng vị thế của NATO là một liên minh hạt nhân sẽ chỉ làm trầm trọng thêm căng thẳng khu vực.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi các quan chức Trung Quốc cảnh báo về việc mở văn phòng liên lạc của NATO tại Nhật Bản. Mặc dù Nhật Bản cho biết họ đang xem xét ý tưởng này, nhưng Pháp đã bác bỏ, khẳng định NATO nên tiếp tục dừng lại ở Bắc Đại Tây Dương.
Trước đó, hồi tháng 6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cũng đã lên tiếng cảnh báo việc NATO mở rộng ảnh hưởng ở châu Á. Ông Uông Văn Bân nhấn mạnh: "Lập trường của hầu hết các nước trong khu vực này rất rõ ràng: họ phản đối việc thiết lập các khối quân sự khác nhau trong khu vực, họ không hoan nghênh việc NATO mở rộng sang châu Á".
Giống Trung Quốc, Nga đã nhiều lần chỉ trích NATO dần dần mở rộng về phía Đông trong những thập kỷ gần đây, đồng thời nhấn mạnh rằng họ coi các địa điểm quân sự của phương Tây gần biên giới của mình là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. NATO đã bác bỏ những tuyên bố này, nhấn mạnh rằng việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine không khiến liên minh này trở thành một bên trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Ukraine đã hy vọng sẽ được đưa ra một lộ trình rõ ràng để trở thành thành viên NATO tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius, nhưng đã thất vọng sau khi NATO chỉ nhắc lại những lời hứa trước đây về việc kết nạp Ukraine là thành viên vào một thời điểm nào đó trong tương lai, sau cuộc xung đột với Nga kết thúc.