Nhưng tại thủ đô của Litva, nơi các nhà lãnh đạo NATO đang tập trung cho hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày (11 – 12/7), Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson nói với tờ Politico trong một cuộc phỏng vấn hôm 11/7 rằng: “Chúng tôi nghĩ rằng việc ăn mừng gia nhập NATO sẽ phải đợi cho đến khi có các phê chuẩn (từ Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary)”.
Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào năm 2022 cùng với Phần Lan sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Nhưng mặc dù đưa ra những thay đổi pháp lý để giải quyết những lo ngại của Ankara về các nhóm người Kurd, nỗ lực của Stockholm đã bị đình trệ khi vấp phải sự phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.
Là một phần của thỏa thuận được công bố hôm 10/7, Ankara và Stockholm đã đồng ý thiết lập Hiệp ước An ninh song phương mới và đẩy mạnh hợp tác kinh tế.
“Chúng tôi thực sự cam kết hợp tác về lâu dài liên quan đến chống khủng bố, chống tội phạm có tổ chức”, Thủ tướng Kristersson cho biết.
Để đáp lại cam kết của Thụy Điển, Tổng thống Erdoğan đã đồng ý chuyển đơn xin gia nhập NATO của Stockholm tới Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ để thông qua, đồng thời nêu rõ “sẽ hợp tác chặt chẽ với quốc hội để đảm bảo việc phê chuẩn”, theo một tuyên bố chung.
Động thái này được ca ngợi là một thành tựu chính trị quan trọng của NATO. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu Thụy Điển có nhận được sự đảm bảo từ ông Erdoğan rằng việc phê chuẩn sẽ được thực hiện sớm hay không, Thủ tướng Thụy Điển bày tỏ sự tin tưởng vào quá trình này nhưng thừa nhận quyền quyết định nằm ở cơ quan lập pháp Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Kristersson nói: “Quốc hội là cơ quan lập pháp và họ sẽ đưa ra quyết định của riêng mình. Tôi tin rằng điều này sẽ xảy ra. Chúng ta cần cần tôn trọng quyết định của quốc hội. Tôi nghĩ chúng tôi đã tiến một bước rất lớn vào ngày hôm qua (10/7)”.
Trước các cuộc đàm phán, ông Erdoğan bất ngờ liên kết việc gia nhập NATO của Thụy Điển với nguyện vọng trở thành thành viên EU bị đình trệ của chính Thổ Nhĩ Kỳ. Và trong thỏa thuận sau đó, Thụy Điển cam kết “tích cực hỗ trợ khôi phục quá trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm hiện đại hóa Liên minh Hải quan EU – Thổ Nhĩ Kỳ và tự do hóa thị thực”.
Nhưng khi được hỏi về động thái này, Thủ tướng Thụy Điển cho biết hành động đó là một phần trong lập trường lâu dài ủng hộ Ankara.
“Thụy Điển từ lâu đã ủng hộ mạnh mẽ cho sự hợp tác tích cực giữa EU – Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Kristersson lưu ý, nhưng nhấn mạnh rằng: “Tất nhiên, [hội nghị] NATO rõ ràng không thể đưa ra bất kỳ quyết định nào về các vấn đề của EU và ngược lại”.