Trung Quốc phản ứng mạnh trước gói trừng phạt mới nhất của EU đối với Nga

Theo tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc), người phát ngôn của Phái đoàn Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào Nga, cũng như các thực thể liên quan của Bắc Kinh.

Chú thích ảnh
Ảnh chụp màn hình thông báo của Phái đoàn Trung Quốc tại Liên minh Châu Âu

Theo đó, vào tối ngày 18/7 (theo giờ địa phương), đại diện phái đoàn của Trung Quốc đã trả lời phỏng vấn của phóng viên liên quan việc EU thông qua gói trừng phạt thứ 18 đối với Nga, trong đó có đưa hai tổ chức tài chính của Trung Quốc vào danh sách. Phía Trung Quốc nhấn mạnh rằng nước này luôn phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương không có cơ sở trong luật pháp quốc tế và không được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phê chuẩn.

Bắc Kinh cho biết, việc EU liệt kê hai tổ chức tài chính của Trung Quốc vào gói trừng phạt thứ 18 là hành động vừa sai lầm nghiêm trọng về mặt bản chất, vừa để lại hậu quả. Phía Trung Quốc nêu rõ nước này kiên quyết phản đối những động thái trên cũng như đã gửi công hàm tới EU. Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp kiên quyết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người phát ngôn của phái đoàn Trung Quốc nhấn mạnh.

Liên quan vấn đề Ukraine, người phát ngôn cho biết Trung Quốc luôn kêu gọi hòa bình, đối thoại, cam kết thúc đẩy giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Nước này chưa bao giờ cung cấp vũ khí sát thương cho bất kỳ bên nào trong xung đột và kiểm soát nghiêm ngặt việc xuất khẩu các mặt hàng lưỡng dụng.

“Chúng tôi kêu gọi EU ngừng hạ uy tín và đổ lỗi cho Trung Quốc, ngay lập tức chấm dứt hành động đưa hai tổ chức tài chính của Trung Quốc vào danh sách, đồng thời thực hiện các bước đi cụ thể để loại bỏ hậu quả tiêu cực từ hành động này”, người phát ngôn nêu rõ.

Theo hãng tin TASS, ngày 18/7, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov tuyên bố Nga coi các lệnh trừng phạt đơn phương mới nhất của EU là “bất hợp pháp”.

“Chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố rằng chúng tôi coi những hạn chế đơn phương như vậy là bất hợp pháp và chúng tôi phản đối chúng”. Ông cho biết thêm, sau nhiều gói trừng phạt liên tiếp của phương Tây, Nga đã phát triển được khả năng “miễn nhiễm” nhất định trước các biện pháp hạn chế này và thích ứng được trong điều kiện đó.

Theo ông Peskov, Nga sẽ phân tích kỹ lưỡng nội dung gói trừng phạt mới nhất của EU để có biện pháp giảm thiểu tác động. Ông cho rằng gói trừng phạt mới này cũng như những đợt trừng phạt trước sẽ là “con dao hai lưỡi” gây tổn hại cho chính EU.

Trước đó cùng ngày, EU đã chính thức thông qua gói trừng phạt thứ 18 nhằm vào Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine. Đây được đánh giá là một trong những gói biện pháp cứng rắn nhất từng được EU áp dụng với trọng tâm siết chặt nguồn thu từ năng lượng và hạn chế các mối liên kết kinh tế quốc tế của Moskva.

Theo thông báo của EU, gói trừng phạt mới gồm việc hạ trần giá dầu thô xuất khẩu của Nga sang các nước thứ ba xuống còn 47,6 USD/thùng, tương đương mức giảm 15% so với giá thị trường hiện tại. Cơ chế trần giá này, do Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) khởi xướng từ năm 2022, nhằm hạn chế lợi nhuận từ xuất khẩu dầu - nguồn thu ngân sách lớn nhất của Nga. Dự kiến, kế hoạch có thể nhận được sự ủng hộ của các đối tác G7 như Anh và Canada, dù chưa đạt được đồng thuận từ phía Mỹ.

Ngoài ra, EU cũng mở rộng danh sách trừng phạt hơn 100 tàu vốn bị nghi ngờ giúp Nga lách lệnh cấm vận. Các biện pháp mới cũng bao gồm lệnh cấm giao dịch liên quan đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 và 2, vốn đã ngừng hoạt động, nhằm ngăn chặn khả năng tái khởi động trong tương lai.

Đáng chú ý, EU cũng đã quyết định áp đặt trừng phạt một nhà máy lọc dầu của Nga tại Ấn Độ và 2 ngân hàng Trung Quốc để siết chặt mạng lưới tài chính và năng lượng quốc tế đang tạo điểm tựa cho Nga. Bên cạnh đó, EU cũng cấm giao dịch đối với nhiều ngân hàng Nga và tăng cường kiểm soát xuất khẩu các mặt hàng lưỡng dụng có thể sử dụng cho cả mục đích quân sự.

Gói trừng phạt được thông qua sau khi Slovakia rút lại quyền phủ quyết sau các cuộc đàm phán với Brussels. Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết nước này đã nhận được các “đảm bảo” liên quan đến giá khí đốt trong bối cảnh EU có kế hoạch chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu khí đốt từ Nga từ cuối năm 2027.

Cao ủy Chính sách Đối ngoại EU Kaja Kallas tuyên bố châu Âu sẽ không lùi bước trong việc hỗ trợ Ukraine và sẽ tiếp tục gia tăng áp lực cho đến khi Nga chấm dứt xung đột. Bà cho rằng mỗi lệnh trừng phạt đều làm suy yếu khả năng tham chiến của Nga.

Đây là vòng trừng phạt thứ 18 được EU ban hành kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát vào năm 2022. Các bộ trưởng EU dự kiến sẽ hoàn tất thủ tục thông qua chính thức gói biện pháp vào cuối ngày 18/7 (giờ địa phương).

Bình Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Nga tuyên bố gói trừng phạt mới của EU là 'bất hợp pháp'
Nga tuyên bố gói trừng phạt mới của EU là 'bất hợp pháp'

Theo hãng tin TASS, ngày 18/7, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov tuyên bố Nga coi các lệnh trừng phạt đơn phương của Liên minh châu Âu (EU) là “bất hợp pháp”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN