Các số liệu thống kê chính thức cho thấy Trung Quốc sẽ có thêm hàng trăm triệu người cao tuổi trong những thập kỷ tới, khi tỷ lệ sinh thấp kinh niên của nước này khiến ngày càng có ít người thay thế họ.
Cuộc khủng hoảng này đã ảnh hưởng đến ngành giáo dục, với hàng nghìn trường mầm non phải đóng cửa trên khắp đất nước do không tuyển được học sinh.
Trong số đó, nhiều trường mầm non đã thay đổi theo thời gian, chẳng hạn cơ sở ở tỉnh Sơn Tây, đã biến những lớp dạy trẻ thành lớp học dành cho người cao tuổi.
Hiệu trưởng Li Xiuling, 56 tuổi, nói: “Vấn đề trở nên đặc biệt rõ ràng khi số lượng trẻ em tiếp tục giảm. Sau khi trường mẫu giáo của tôi không thể tuyển sinh, tôi đã nghĩ về cách tận dụng nó một cách tốt nhất”.
Trường mầm non của bà Li thành lập năm 2005 và từng có tới 280 học sinh nhưng đã đóng cửa vào năm ngoái. Đến tháng 12/2023, trường mầm non này mở cửa trở lại với tên gọi “Ấn tượng của tuổi trẻ”, một trung tâm giải trí dành cho những người cao tuổi.
Ngôi trường khoảng 100 học viên cao tuổi học các môn âm nhạc, khiêu vũ, người mẫu và nhiều môn học khác.
“Đó là một ý tưởng khá tiến bộ. Những người cao tuổi tham dự lớp học này để thực hiện một số ước mơ khi còn trẻ”, Hiệu trưởng Li nói.
Vào buổi sớm tháng 7 khi trời vẫn còn mưa, huấn luyện viên người mẫu dẫn một hàng gồm những phụ nữ lớn tuổi đi quanh lớp học trong bộ váy sườn xám truyền thống, cầm những chiếc ô màu hồng làm thủ công bằng giấy dầu.
Ở một lớp học khác, những học sinh lớn ngồi thành hình bán nguyệt, đánh trống châu Phi theo những bài hát truyền thống.
Bà He Ying, 63 tuổi, cho biết việc tham gia lớp học này đã giúp bà vượt qua sự thiếu tự tin sau khi nghỉ hưu và có cơ hội gặp gỡ những người bạn mới.
“Tôi từng cảm thấy đời sống văn hóa của mình rất nghèo nàn, và cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì nhiều. Nhưng mọi người ở đây không chỉ chờ già đi”, bà chia sẻ.
Theo dữ liệu của chính phủ, gần 15.000 trường mẫu giáo đã đóng cửa ở vào năm ngoái khi số lượng tuyển sinh giảm 5,3 triệu so với năm 2022.
Năm ngoái, tại Sơn Tây - nơi dân số đang giảm - số ca tử vong nhiều hơn số ca sinh là 78.000 người.
Những lớp học đã cũ của trường mầm non này vẫn còn lưu giữ những chiếc giường tầng và những chiếc bàn xếp ngay ngắn dọc theo những bức tường được trang trí đầy màu sắc.
Cô Yan Xi, người từng là giáo viên mầm non nhưng đang dạy các lớp dành cho người về hưu, cho biết cô đã phải mất một thời gian để làm quen ca làm việc thay đổi.
“Những đứa trẻ tin bất cứ điều gì bạn nói, nhưng người lớn tuổi có cách suy nghĩ riêng của họ. Tôi phải suy nghĩ kỹ hơn về cách giao tiếp với họ”, cô nói.
Theo các báo cáo, một số cơ sở mầm non khác trên khắp Trung Quốc đã đạt được thành công nhờ chuyển đổi từ giáo dục trẻ em sang dạy học cho người cao tuổi.
Bà Sun Linzhi, 56 tuổi, cho biết những cơ sở này đáp ứng các nhu cầu về trường đại học dành cho người già.
“Kể từ khi đến lớp học ở Thái Nguyên, tôi cảm thấy như mình trẻ lại”, bà nói.
Theo số liệu thống kê chính thức, Trung Quốc đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về dân số cao tuổi vào năm ngoái, thêm gần 17 triệu người trên 60 tuổi.
Nhóm tuổi này chiếm hơn 20% dân số, tỷ lệ dự kiến sẽ tăng lên gần 1/3 vào năm 2035, theo nhóm nghiên cứu Economist Intelligence Unit.
Bắc Kinh có kế hoạch giới thiệu hệ thống chăm sóc người già quốc gia “tương đối tốt” vào năm 2025, nhưng nước này vẫn thiếu viện dưỡng lão và phải đối mặt với sự chênh lệch lớn về phạm vi bao phủ giữa các khu vực.
Chính phủ ước tính các sản phẩm và dịch vụ phục vụ người cao tuổi - từ du lịch thân thiện với người cao tuổi đến chăm sóc y tế dựa trên công nghệ - có thể trị giá 30 nghìn tỷ nhân dân tệ (4,13 nghìn tỷ USD) vào năm 2035.
Nhưng nước này đang phải vật lộn để phục hồi tỷ lệ sinh đang giảm mạnh, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhân khẩu học không cân xứng ở Trung Quốc.
Hiệu trưởng Li cho biết bà vẫn hoài niệm về những ngày ngôi trường của bà đầy ắp tiếng cười trẻ thơ.
“Tôi đã đầu tư rất nhiều cảm xúc vào đó”, bà nói, chỉ về phía những chiếc giường và bàn học không còn sử dụng nữa. “Chúng tôi vẫn giữ chúng như một vật kỷ niệm”, bà nói.
Trả lời phỏng vấn trang tin Yicai, ông Ding Changfa, Giáo sư kinh tế tại Đại học Hạ Môn, nói rằng các trường mẫu giáo ở khu vực nông thôn và các khu vực có dân số phải di cư ra ngoài tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất. Hầu hết các trường mẫu giáo công lập ở thành thị ít bị ảnh hưởng hơn nhờ điều kiện giáo dục tốt hơn, trong khi các trường tư thục bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Theo Yicai, sự suy giảm về số lượng trẻ em cũng sẽ ảnh hưởng đến các cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông và sau đó là đại học.