Thay vào đó, ông Hu và người vợ lớn tuổi đã chuyển đến vùng ngoại ô Bắc Kinh, nơi họ thường thức dậy lúc 4 giờ sáng mỗi ngày để nấu cơm trưa đóng hộp. Sau đó, vợ chồng ông phải di chuyển hơn 1 giờ đồng hồ để đến một trung tâm mua sắm ở trung tâm thành phố để làm công việc dọn dẹp theo ca 13 tiếng. Hu cho biết mỗi người kiếm được 4.000 nhân dân tệ/tháng.
Giải pháp thay thế cho họ và nhiều người trong số 100 triệu người di cư từ nông thôn đến tuổi nghỉ hưu ở Trung Quốc trong 10 năm tới là trở về quê, sống nhờ một trang trại nhỏ với lương hưu hàng tháng là 123 nhân dân tệ.
Tuy nhiên, ông nói: “Không ai có thể chăm sóc chúng tôi. Tôi không muốn trở thành gánh nặng cho hai đứa con”.
Vào cuối thế kỷ trước, một thế hệ đã đổ xô đến các thành phố lớn ở Trung Quốc, xây dựng cơ sở hạ tầng và quản lý các nhà máy. Thế hệ này đã đưa Trung Quốc rở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, nhưng giờ đây họ đang phải đối mặt với nguy cơ mức sống giảm mạnh vào cuối đời.
Ông Fuxian Yi, nhà nhân khẩu học đồng thời là nhà khoa học cao cấp tại Đại học Wisconsin-Madison, cho biết: “Ngày càng có nhiều lao động nhập cư trở về nông thôn và một số đang làm những công việc lương thấp, đó là cách tuyệt vọng để họ tự cứu mình”.
Nếu những người di cư này chỉ dựa vào lương hưu cơ bản ở nông thôn, họ sẽ sống dưới ngưỡng nghèo của Ngân hàng Thế giới là 3,65 USD/ngày. Nhiều người đã kiếm thêm thu nhập bằng cách lao động ở thành phố hoặc bán một phần nông sản.
Thống kê mới nhất của Trung Quốc cho thấy khoảng 94 triệu người lao động (chiếm 12,8% trong tổng số 734 triệu lực lượng lao động) ở độ tuổi trên 60 tuổi vào năm 2022, tăng từ mức 8,8% vào năm 2020.
Tỷ lệ này, mặc dù thấp hơn so với các nước giàu có hơn như Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng sẽ tăng vọt khi có thêm 300 triệu người Trung Quốc bước sang tuổi 60 trong thập kỷ tới. 1/3 dân số trong nhóm này là những người di cư từ nông thôn, những người thường thiếu các kỹ năng chuyên môn cho một nền kinh tế đang mong muốn đạt được chuỗi giá trị.
Lương hưu ở Trung Quốc dựa trên hệ thống hộ khẩu, phân chia dân số theo thành thị - nông thôn, có sự khác biệt lớn về thu nhập và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội. Lương hưu hàng tháng dao động từ khoảng 3.000 nhân dân tệ ở các tỉnh kém phát triển đến khoảng 6.000 nhân dân tệ ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Lương hưu ở nông thôn, được áp dụng trên toàn quốc vào năm 2009, ở mức rất thấp.
Vào tháng 3, Trung Quốc đã tăng lương hưu tối thiểu thêm 20 nhân dân tệ, lên 123 nhân dân tệ mỗi tháng, mang lại lợi ích cho 170 triệu người. Nhưng việc tăng lương hưu ở nông thôn chỉ chiếm chưa đến 0,001% GDP 18.000 tỷ USD của Trung Quốc hàng năm.
Trong khi đó, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) ước tính hệ thống lương hưu sẽ cạn kiệt vào năm 2035. Bắc Kinh đã đưa ra các chương trình hưu trí tư nhân và đang chuyển tiền cho các tỉnh có thâm hụt ngân sách lương hưu mà họ không thể tự bù đắp do nợ cao.
Các quốc gia khác đã cố gắng tăng quỹ hưu trí bằng cách nâng tuổi nghỉ hưu. Ở Trung Quốc, tuổi nghỉ hưu thuộc dạng thấp nhất thế giới với độ tuổi 60 đối với nam và 50 - 55 đối với nữ, tùy theo ngành nghề. Bắc Kinh cũng có kế hoạch tăng dần tuổi nghỉ hưu song không đưa ra mốc thời gian cụ thể.
Các cuộc khảo sát của CASS cho thấy mức tài trợ chăm sóc sức khỏe cho người lao động ở thành thị trong một số trường hợp cao hơn khoảng 4 lần so với những người có hộ khẩu ở nông thôn.
Theo Cai Fang, nhà kinh tế CASS và cựu cố vấn Ngân hàng Trung ương, hơn 16% cư dân nông thôn trên 60 tuổi không khỏe mạnh, so với 9,9% ở thành thị.
Bà Yang Chengrong 60 tuổi và chồng Wu Yonghou 58 tuổi, dành cả ngày để gom bìa cứng và nhựa cho một trạm tái chế ở Bắc Kinh, kiếm được chưa đến 1 nhân dân tệ/kg.
Bà Yang cho biết bà có vấn đề về tim, còn ông Wu bị bệnh gút nhưng họ không đủ tiền điều trị. Vợ chồng bà lo lắng thu nhập 4.000 nhân dân tệ/tháng là không bền vững khi mọi người đang có xu hướng ít lãng phí hơn.
“Những người như chúng tôi làm việc đến gần chết, nhưng chúng tôi vẫn phải tiếp tục làm việc”, bà Yang nói.
Ông Wu cho biết vợ chồng ông không dám nghỉ hưu. Ông nói: “Tôi chỉ cảm thấy yên tâm khi có việc làm, kể cả khi đó là công việc bẩn thỉu”.
Với dân số trên 60 tuổi vượt mốc 290 triệu người, Trung Quốc đang nỗ lực giải quyết vấn đề già hóa dân số đồng thời cải thiện sinh kế của người già. Nước này đã cam kết cung cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn cho người cao tuổi, phát triển hơn nữa "nền kinh tế đầu bạc" để ứng phó với những thách thức do dân số già đang gia tăng.
Ông LiXinhua, thành viên chính hiệp ở thành phố Thái Nguyên, cho biết nguyện vọng và yêu cầu của người cao tuổi về chất lượng cuộc sống cao hơn đã tăng lên.
“Phát triển ‘nền kinh tế đầu bạc’ phù hợp với xu hướng này và sẽ giúp đáp ứng nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ đa cấp, đa dạng”, ông nói.
Theo ông Luo Yunfeng, một quan chức tại thành phố Hợp Phì, "nền kinh tế đầu bạc" hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội phát triển mới vì liên quan đến nhiều lĩnh vực có chuỗi công nghiệp và phương thức kinh doanh đa dạng.
"Nền kinh tế đầu bạc" của Trung Quốc ước tính có quy mô khoảng 7.000 tỷ nhân dân tệ và dự kiến sẽ đạt 30.000 tỷ nhân dân tệ vào năm 2035. Tuy nhiên, các sản phẩm và dịch vụ chăm sóc người cao tuổi hiện có trên thị trường chưa đủ thiết thực.