Mới đây, tờ The Washington Times (Thời báo Washington) của Mỹ đưa tin, Trung Quốc có thể tham gia cùng Nga trong cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria. Dẫn các nguồn tin bên ngoài, tờ báo cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do Bắc Kinh rất lo lắng ngày càng có nhiều chiến binh người gốc Trung Quốc gia nhập IS.
Trung Quốc sẽ không dính vào chiến dịch quân sự tại Syria. Ảnh: Reuters |
Thế nhưng giới chuyên gia quân sự, chính trị Nga thì không nghĩ vậy. Thay vào đó, họ nhìn nhận lợi ích lớn nhất của Trung Quốc ở Syria là kinh tế, khi Bắc Kinh đã đổ hàng tỉ USD đầu tư vào quốc gia Trung Đông này. Hầu như không có chuyện Trung Quốc tham gia chiến dịch quân sự do Nga đứng đầu chống IS, Andrei Ostrovsky, chuyên gia về Trung Quốc và là Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Viễn Đông trực thuộc Viện Khoa học hàn lâm Liên bang Nga nói. “Trung Quốc có lợi ích của riêng mình, nhưng học thuyết quân sự của họ mang nặng tính chất phòng vệ vừa đủ - nói cách khác là tránh can dự vào các vấn đề quốc tế về mặt quân sự. Trung Quốc sẽ có hành động vũ lực khi lợi ích quốc gia bị xâm hại tại các vùng giáp biên giới lãnh thổ. IS, như ai cũng thấy, ở cách xa lãnh thổ Trung Quốc và vì thế chẳng có chuyện Bắc Kinh đưa quân tới Syria”, chuyên gia người Nga chia sẻ với tờ Vzglyad.
Theo ông, giới truyền thông Mỹ không hiểu vấn đề, khi họ tìm cách thổi phồng mối nguy hiểm của người Duy Ngô Nhĩ. Đúnglà có vấn đề với tộc người này, với việc một số phần tử Duy Ngô Nhĩ gia nhập IS, nhưng số lượng thì còn ít hơn nhiều so với người gốc Nga. “Trung Quốc đang hành động chỉ đơn giản trên những tính toán lý trí, với luận điểm bao trùm nhất là ‘tọa sơn quan hổ đấu’. Nước này sẽ không bao giờ tham chiến, trừ khi bị thách thức trực tiếp”, chuyên gia Nga bày tỏ.
Cùng chia sẻ nhận định trên, chuyên gia về Trung Quốc Alexei Maslov, Trưởng khoa Đông phương học tại Đại học Kinh tế Moskva nói rằng, Bắc Kinh sẽ không có bước can dự quân sự cùng Nga trên chiến trường Syria. Ông này lấy dẫn chứng, trong lịch sử của mình, Trung Quốc chưa bao giờ đưa quân hay mở các chiến dịch quân sự vượt khỏi phạm vi các khu vực giáp biên giới.
Ông Maslov dự báo, Bắc Kinh sẽ tìm cách tối đa hóa các lợi ích kinh tế từ cuộc khủng hoảng tại Syria. “Ở đây, chúng ta phải nhớ một điều, chỉ chưa đầy một tuần sau khi thế giới bước vào năm mới, giới lãnh đạo Trung Quốc đã tiếp đón đại diện của Tổng thống Bashar al-Assad, đưa ra lời đề nghị về khoản đầu tư lên tới 6 tỉ USD. Sau khi IS bị đánh bại, dù là bởi Nga hay Mỹ, thì Trung Quốc sẽ bước vào Syria với tư cách là một nhà đầu tư lớn, tìm cách kiểm soát dầu mỏ và các nguồn tài nguyên khác. Về mặt chính trị, Bắc Kinh sẽ cố gắng có bước đi điều phối với tất cả các bên, kể cả Nga và Mỹ”, chuyên gia này bình luận.