Trẻ em – đối tượng bị tác động nặng nề nhất của làn sóng dịch thứ 4 tại Đức

Trong nhiều tuần qua, trẻ em và thanh thiếu niên là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 tại Đức.

Theo Viện Robert Koch (RKI), tỷ lệ mắc bệnh trong 7 ngày cao nhất hiện nay là ở nhóm trẻ từ 10-14 tuổi, tiếp theo là nhóm từ 5-9 tuổi và cuối cùng là nhóm từ 15-19 tuổi. 

Chú thích ảnh
Học sinh đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại trường học ở Tây Berlin, Đức. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn báo cáo tuần của cơ quan y tế công cộng RKI cho biết chỉ trong vòng 4 tuần, Đức đã ghi nhận 856 đợt dịch bùng phát tại các trường học, cao hơn nhiều so với tất cả các làn sóng dịch trước đây. Ngoài khả năng dễ lây lan hơn của biến thể Delta, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ nhiễm virus cao trong các trường học là do nhiều trẻ em đi học chưa được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Ở Đức, tiêm chủng vaccine hiện vẫn chỉ được phép cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. 

Mặc dù tỷ lệ lây nhiễm cao trong nhóm tuổi từ 5-19, song cho đến nay, giới chức Đức không muốn yêu cầu đóng cửa các trường học. Bởi nhiều nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng hậu quả tâm lý xã hội của việc đóng cửa trường học trên diện rộng đối với trẻ em. Quốc hội Đức vừa thông qua Luật sửa đổi về phòng chống dịch bệnh có điều khoản cấm việc đóng cửa trường học trên diện rộng. 

Tuy nhiên, trên thực tế, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang ảnh hưởng đến cuộc sống học đường hàng ngày. Không có số liệu toàn quốc về việc đóng cửa trường học hiện tại, nhưng theo số liệu cập nhật từ Hội nghị Bộ trưởng giáo dục của Đức, có 45.500 trẻ em trong độ tuổi đi học được ghi nhận mắc COVID-19 và 87.000 trong số 10 triệu trẻ em đang cách ly. Trong khi đó, con số này của tuần trước là 23.000 học sinh mắc COVID-19 và 54.000 trường hợp cách ly.

Bà Jana Schroeder, bác sĩ tại Viện Vệ sinh và Vi sinh vật thuộc Quỹ Mathias-Spital, tổ chức điều hành các bệnh viện, trung tâm y tế và cơ sở chăm sóc sức khỏe, cho biết mối quan tâm hàng đầu hiện nay là tác động của đại dịch đối với trẻ em. Bà Schroeder nói:“Học sinh chưa được tiêm chủng vẫn có quyền được đến trường an toàn. Điều quan trọng là phải giữ cho tỷ lệ học sinh nhiễm dịch tại các trường học luôn ở mức thấp”. Theo bà, cách tốt nhất để ngăn chặn việc đóng cửa trường học là ngăn ngừa tỷ lệ mắc cao.

Tuy nhiên, phát biểu với tổ hợp truyền thông DW, phát ngôn viên thành phố Cottbus, ông Jan Glossmann nói: “Chúng tôi nhận thức được mong muốn của đại đa số phụ huynh và học sinh rằng việc học cùng nhau và tương tác xã hội cần được duy trì. Song vẫn không thể loại trừ điều gì sẽ xảy ra khi số ca mắc mới COVID-19 tại Đức đang phá kỷ lục mỗi ngày".

Theo giới chức y tế, số ca mắc mới COVID-19 đang gia tăng nhanh trong các trường học, trong đó có khoảng 1% trẻ em phải nhập viện. Hiện vẫn chưa rõ những tác động có thể gây ra đối với trẻ em sẽ nặng nề đến đâu nếu mắc COVID-19. Một nghiên cứu của Đại học Công nghệ Dresden đã chỉ ra rằng trẻ em cũng phải chịu hậu quả lâu dài của COVID-19 nhiều hơn so với những giả định trước đây.

Phương Hoa (TTXVN)
Ngày trẻ em thế giới 20/11: Hơn 13% trẻ vị thành niên chung sống với rối loạn tâm thần
Ngày trẻ em thế giới 20/11: Hơn 13% trẻ vị thành niên chung sống với rối loạn tâm thần

Đại dịch COVID-19 đã làm dấy lên những lo ngại về sức khỏe tâm thần của một thế hệ trẻ em. Báo cáo tình hình trẻ em thế giới năm 2021 của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) khẳng định: Rối loạn tâm thần là nguyên nhân đáng kể của khổ đau và thường bị phớt lờ, ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học tập của trẻ em và thanh thiếu niên cũng như khả năng phát huy hết tiềm năng của các em.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN