Trước khi sinh, hãy kiểm tra xem gia đình bạn có đủ giấy vệ sinh hay không. Chuẩn bị sẵn bữa ăn cho chồng vì các anh “không giỏi nấu ăn”. Buộc tóc gọn gàng để "trông bạn không quá xuề xòa" ngay cả khi bạn không tắm. Sau khi em bé chào đời, luôn để một chiếc váy kích thước nhỏ trước mặt để bạn có động lực không ăn quá nhiều.
Đây là một số lời khuyên dành cho phụ nữ mang thai được giới chức Seoul đăng từ năm 2019. Mặc dù văn bản hướng dẫn này đã có mặt trên trang web của chính phủ cách đây 2 năm song nội dung trong văn bản gần đây mới thu hút được dư luận và tạo ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ. Người dân cho rằng những hướng dẫn này thể hiện quan điểm lạc hậu và kiến nghị gỡ bỏ văn bản.
Cô Yong Hye-in, một nhà hoạt động kiêm chính trị gia, cho rằng với hướng dẫn này, trách nhiệm nuôi dạy con cái của một người phụ nữ sẽ tăng lên gấp đôi vì họ cũng phải chăm sóc chồng. Bày tỏ trên Twitter, cô Yong cho rằng nếu như kết hôn với một người đàn ông mà còn không biết làm những việc như vứt thức ăn ôi thiu đi, thì giải pháp tốt nhất là ly hôn.
“Tôi nghĩ những hướng dẫn này do một người chưa bao giờ sinh con nghĩ ra”, Tiến sĩ Kim Jae-yean, Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Sản phụ khoa Hàn Quốc, nhận định. Ông nói thêm rằng thay vào đó, chính phủ nên đưa ra những lời khuyên thiết thực về các vấn đề như nuôi con bằng sữa mẹ.
Một số nhà lập pháp còn chỉ trích những hướng dẫn này đã làm hủy hoại danh tiếng của Hàn Quốc.
Tuần trước, một bản kiến nghị trực tuyến kêu gọi giới chức địa phương xin lỗi cũng như kỷ luật người đưa ra văn bản hướng dẫn trên đã nhận được hơn 21.000 chữ ký. Ngay sau đó, văn bản này cũng đã bị gỡ bỏ một phần nội dung gây tranh cãi ra khỏi trang web.
Trong một thư điện tử gửi tới báo The New York Yimes, phòng phụ trách y tế cộng đồng của thành phố Seoul cho biết rất lấy làm tiếc và chịu trách nhiệm khi không rà soát và kiểm tra nội dung đăng tải.
Bên cạnh phần lớn dư luận không đồng tình với văn bản hướng dẫn trên, vẫn có những người cho rằng làn sóng chỉ trích đã đi quá xa.
“Tôi nghĩ việc khuyên phụ nữ chuẩn bị thức ăn và làm việc nhà là không vô lý”, Kyung Jin Kim, 42 tuổi, một cựu luật sư sinh sống tại Seoul vừa mới lập gia đình, cho hay. Tuy nhiên, cô cũng chia sẻ mọi người sẽ thấy văn bản hướng dẫn hữu ích hơn nếu như người viết văn bản không sử dụng giọng điệu như của “một người đàn ông trung niên hay một người mẹ chồng lớn tuổi ở Hàn Quốc”.
Mặc dù Hàn Quốc đã trở thành một cường quốc về kinh tế và văn hóa, nhưng nhiều phụ nữ nước này vẫn phải cam chịu bất bình đẳng giới và phân biệt đối xử.
Theo một báo cáo năm 2017 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chênh lệch lương theo giới ở Hàn Quốc là cao nhất trong số 37 quốc gia thành viên. Phụ nữ đi làm kiếm được ít tiền hơn nam giới gần 40%, và nhiều người buộc phải nghỉ làm khi có con do bị áp lực từ gia đình và công sở.
Các quốc gia khác trong khu vực, như Nhật Bản - nước có dân số già và tỷ lệ sinh thấp - cũng có sự chênh lệch giới tính đáng kể, đặc biệt là liên quan đến vấn đề mang thai. Thậm chí Nhật Bản còn có thuật ngữ “matahara” để chỉ tình trạng phụ nữ bị bắt nạt ở nơi làm việc sau khi sinh con.
Dân số giảm là mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế của các quốc gia trên. Năm ngoái, dân số Hàn Quốc lần đầu tiên giảm kỷ lục, giảm gần 21.000 người. Số ca sinh giảm hơn 10,5%, còn số ca tử vong tăng 3%. Bộ Nội vụ Hàn Quốc nhấn mạnh: "Trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm nhanh chóng, chính phủ cần thực hiện những thay đổi cơ bản đối với các chính sách liên quan, đặc biệt là những chính sách khuyến khích phụ nữ sinh đẻ”.