Ông Stoltenberg chia sẻ với hãng tin DW (Đức): “Băng tan tại Bắc Cực có thể hâm nóng căng thẳng địa chính trị giữa các cường quốc trên thế giới. Chúng ta đã chứng kiến hiện diện quân sự gia tăng của Nga. Họ đang mở lại các cơ sở quân sự tại Bắc Cực. Trung Quốc cũng đẩy mạnh hiện diện tương tự”.
Năm 2018, Trung Quốc đã tự nhận là “quốc gia gần Bắc Cực”. Theo hãng thông tấn Reuters, Trung Quốc “để mắt” đến những nguồn khoáng chất dồi dào và tuyến đường biển tiềm năng mới tại Bắc Cực hình thành do tình trạng nhiệt độ tăng khiến băng tan.
Ông Stoltenberg đánh giá: “Điều này cho thấy ảnh hưởng an ninh đối với biến đổi khí hậu. Chúng ta cần cam kết với Trung Quốc về nhiều vấn đề, bao gồm biến đổi khí hậu. Cùng thời điểm này, sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng dẫn đến nhiều thách thức nghiêm trọng”.
Mặc dù NATO chưa có chiến lược thống nhất nhưng ông Stoltenberg nói rằng các thành viên của khối quân sự này đang phát triển “quan điểm ngày càng nhiều điểm chung về cách ứng xử với Trung Quốc”.
Tổng thư ký NATO nêu rõ: “Trung Quốc ngày càng lớn mạnh… một sức mạnh không có chung giá trị với chúng ta. Trung Quốc đang tiến gần đến chúng ta, đầu tư vào cơ sở hạ tầng quan trọng”.
Ngoại trưởng các quốc gia thuộc NATO dự kiến nhóm họp tại Brussels (Bỉ) trong tuần này, lần đầu tiên kể từ khi dịch COVID-19 lây lan. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến tham dự cuộc họp kéo dài 2 ngày để thể hiện ủng hộ với NATO.