Tuy nhiên, quá trình này gặp nhiều thách thức do phụ thuộc vào một số quốc gia về năng lực sản xuất và tài nguyên quan trọng, dẫn đến xu hướng chuyển chuỗi cung ứng sang các nước thân thiện và chính sách công nghiệp, điều có thể làm leo thang căng thẳng địa chính trị.
Khi xung đột thương mại Mỹ – Trung bùng phát, các nhà sản xuất ban đầu tìm cách đối phó tạm thời như thay đổi nhà cung cấp hoặc chuyển hướng hàng hóa để tránh thuế. Tuy nhiên, xung đột kéo dài đã buộc họ phải thay đổi hoàn toàn chiến lược chuỗi cung ứng.
Theo khảo sát của Economist Impact, năm 2022 và 2023, đa dạng hóa là chiến lược chuỗi cung ứng hàng đầu của các lãnh đạo toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương áp dụng chiến lược "China+1", tức mở rộng hoạt động ra ngoài Trung Quốc. Dù chiến lược này không hoàn toàn bắt nguồn từ xung đột thương mại, căng thẳng Mỹ – Trung vẫn là mối quan tâm lớn nhất trong tương lai.
Những khó khăn trong đa dạng hóa chuỗi cung ứng
Quá trình đa dạng hóa không dễ dàng. Các yếu tố như pháp quyền, sự ổn định chính trị và giải quyết tranh chấp đóng vai trò quan trọng trong quyết định di dời doanh nghiệp.
Ví dụ, gần một nửa các lãnh đạo doanh nghiệp Đức vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc để nhập khẩu hàng hóa trung gian. Đối với Newell Brands, một công ty hàng tiêu dùng Mỹ, việc đưa chuỗi cung ứng về Bắc Mỹ gặp khó khăn vì khu vực này thiếu quy mô sản xuất như Trung Quốc. Mặc dù lượng nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc giảm từ năm 2017, ảnh hưởng của hàng hóa Trung Quốc tới sản xuất tại Mỹ vẫn còn lớn.
Để quản lý rủi ro, nhiều doanh nghiệp chuyển sang các nước thân thiện bằng cách tập trung chuỗi cung ứng vào mạng lưới các nhà cung cấp đáng tin cậy. Tỷ lệ các công ty áp dụng chiến lược này đã tăng từ 10% lên 26% trong giai đoạn 2022–2023.
Các khối thương mại khu vực như ASEAN đang hưởng lợi từ sự thay đổi này. GDP của ASEAN tăng trưởng mạnh, cao hơn trung bình toàn cầu 1,5 điểm phần trăm vào năm 2024. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đang thúc đẩy chuỗi cung ứng tích hợp, giảm dần rào cản thuế quan đến năm 2045.
Các yếu tố địa chính trị và chính sách bảo hộp
Mexico cũng hưởng lợi từ chiến lược này nhờ quan hệ thương mại tốt với cả Mỹ và Trung Quốc. Doanh nghiệp Trung Quốc tận dụng hiệp định Mỹ – Mexico – Canada (USMCA) để đặt nhà máy tại Mexico, né rào cản thương mại và tiếp cận thị trường Mỹ. Đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào Mexico đã tăng 300% giai đoạn 2018–2019 và 2022–2023.
Tuy nhiên, sự chuyển đổi chuỗi cung ứng này có thể làm gia tăng căng thẳng địa chính trị. Các biện pháp bảo hộ như việc Mỹ thành lập mạng lưới tài chính Đối tác an ninh khoáng sản, loại bỏ Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng, hay lệnh cấm xuất khẩu chất bán dẫn từ Đài Loan, cho thấy "vũ khí hóa" chuỗi cung ứng đang trở thành một chiến lược phổ biến.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa trở nên mong manh, chính sách bảo hộ tiếp tục nổi lên. Các lệnh thuế cao mà chính quyền ông Trump từng áp đặt đối với Trung Quốc, Canada và Mexico có nguy cơ làm leo thang các cuộc chiến thương mại, đẩy giá tiêu dùng tăng cao và gây bất ổn kinh tế.
Những thay đổi chính trị toàn cầu, từ chính phủ Lao động mới tại Anh, đến chính sách bảo hộ tại Ấn Độ và Indonesia, đều ảnh hưởng đến chiến lược chuỗi cung ứng. Sự trở lại của chính quyền Tổng thống Trump cũng có thể định hình đáng kể hướng đi của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong một thế giới đầy biến động, việc điều hướng chuỗi cung ứng không chỉ đòi hỏi chiến lược dài hạn mà còn cần khả năng thích ứng linh hoạt trước các thách thức địa chính trị và kinh tế.