Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung càng thúc đẩy mạnh mẽ hơn nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung và địa điểm sản xuất. Nắm bắt cơ hội từ xu hướng này, các công ty toàn cầu đang nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng theo hướng an toàn và bền vững hơn.
Liên quan đến xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như cơ hội và thách thức khi dòng đầu tư và chuỗi cung ứng dịch chuyển đến Việt Nam, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Bà đánh giá thế nào về việc các doanh nghiệp có xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các nước trong cùng khu vực địa lý, chuyển một phần hay toàn bộ hoạt động sản xuất trở lại trong nước để tránh rủi ro?
Trước tiên, các căng thẳng thương mại cũng như xung đột địa-chính trị toàn cầu đang làm cho chi phí giao dịch và vận chuyển hàng hóa tăng lên và dẫn đến tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Do đó, chi phí giao dịch của các doanh nghiệp tham gia thương mại quốc tế tăng theo. Thứ hai, việc tham gia vào thương mại đầu tư quốc tế rủi ro hơn trước rất nhiều. Do đó, các tập đoàn trên thế giới có xu hướng tìm đến các thị trường được cho là an toàn cũng như các thị trường đảm bảo chuỗi cung ứng thực sự linh hoạt và giảm thiểu rủi ro.
Trên thế giới đang xuất hiện các xu hướng như sau: Xu hướng thứ nhất là các tập đoàn đầu tư vào các quốc gia có vị trí địa lý gần (nearshoring). Xu hướng thứ hai là đầu tư vào các quốc gia có các mối quan hệ về kinh tế, đặc biệt là về chính trị để đảm bảo an toàn và không xảy ra rủi ro (friendshoring). Xu hướng thứ ba là quay trở lại đầu tư vào quốc gia của mình (reshoring) để tránh rủi ro và mở các dự án đầu tư mới nhằm tận dụng thị trường nội địa.
Các quốc gia Đông Nam Á và Ấn Độ đang nổi lên như những điểm đến thay thế quan trọng của xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu. Bà nhận định ra sao về tiềm năng của các quốc gia này?
Trước tiên, chúng ta có thể khẳng định các quốc gia này có tiềm năng, nên họ đang nổi lên là các quốc gia có khả năng thay thế. Tiềm năng của các quốc gia này chính là họ có chi phí nhân công có thể cạnh tranh với Trung Quốc, thậm chí có thể rẻ hơn. Ngoài chi phí lao động rẻ, một số quốc gia còn có lao động có kỹ năng, có thể đáp ứng những chuỗi giá trị đòi hỏi tay nghề cao. Chẳng hạn như Ấn Độ, quốc gia này vừa có lao động chi phí thấp, vừa có lao động tay nghề cao trong các lĩnh vực điện tử và dịch vụ khác.
Thứ hai, bản thân các quốc gia này cũng là những thị trường quy mô lớn. Lợi thế thứ ba là một số quốc gia có cơ sở hạ tầng khá phát triển và những ngành công nghiệp phụ trợ có thể đáp ứng được chuỗi giá trị khi các tập đoàn lớn dịch chuyển đến. Trường hợp của Ấn Độ là một ví dụ. Nước này có cơ sở hạ tầng và đặc biệt là có những ngành công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực dược phẩm, điện tử, phân phối… khá tốt. Họ có thể đáp ứng được nhu cầu của các tập đoàn lớn.
Một lợi thế quan trọng nữa đáp ứng được xu hướng dịch chuyển hiện nay là “friendshoring”, tức là xu hướng đầu tư vào những quốc gia có lợi thế về liên minh chính trị, quan hệ thương mại, ngoại giao… Đây cũng là những lợi thế và tiềm năng chính của các quốc gia như là Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á.
Làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng đã có những tác động lớn đến Việt Nam. Theo bà, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những cơ hội gì và những biện pháp nào có thể giúp Việt Nam phát huy lợi thế khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu?
Khi các tập đoàn dịch chuyển chuỗi cung ứng và nhà máy sản xuất đến Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đứng trước cơ hội hợp tác lớn, cũng như cơ hội tham gia sâu hơn và nâng cao vị thế của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thứ nhất, cơ hội này được thể hiện qua việc cung cấp những sản phẩm, dịch vụ cho các tập đoàn này. Và nếu thu hút được những chuỗi giá trị xanh hay chuỗi giá trị bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận các kỹ năng, cách quản trị mới trong toàn bộ chuỗi giá trị đó, đồng thời tìm được cơ hội sản xuất những mặt hàng phù hợp với chuỗi giá trị toàn cầu đó.
Cơ hội thứ hai đối với các doanh nghiệp là nâng cao năng lực quản trị, chất lượng lao động để đáp ứng và phù hợp với các tập đoàn và nhà đầu tư lớn đến Việt Nam. Trong dài hạn, đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, đáp ứng được và tham gia được sâu rộng hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Giải pháp giúp Việt Nam phát huy lợi thế sẽ đến cả từ góc độ vĩ mô và vi mô. Giải pháp vĩ mô quan trọng nhất là phải có chiến lược để thu hút được những chuỗi cung ứng có giá trị gia tăng cao hay những chuỗi cung ứng tiên tiến, thu hút được những doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, dịch vụ môi trường và sản xuất xanh tại Việt Nam. Không chỉ đầu tư nước ngoài, chiến lược đó phải gắn liền với chiến lược phát triển chung của kinh tế Việt Nam, tức là gắn với chiến lược công nghiệp, chiến lược ngành của Việt Nam. Chúng ta thu hút đầu tư nước ngoài vào những ngành ưu tiên, nhưng đồng thời phải khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào trong những ngành đó. Chiến lược này cũng phải gắn với sự phát triển vùng và liên kết giữa các vùng của Việt Nam.
Giải pháp tiếp theo là đầu tư vào nguồn nhân lực, phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng những ngành đó; tạo môi trường thông thoáng và minh bạch. Do đó, cần có những chiến lược về mặt dài hạn để đầu tư và tìm ra những hướng phát triển về các ngành hay các sản phẩm thân thiện với môi trường có thể đáp ứng được các chuỗi giá trị toàn cầu.
Trân trọng cảm ơn bà!