Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã thực hiện phỏng vấn độc quyền với các chuyên gia kinh tế từ hai tổ chức quốc tế hàng đầu thế giới là Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam.
Cơ hội và thách thức khi đa dạng hóa
Trong buổi phỏng vấn độc quyền với phóng viên TTXVN, ông Andrea Coppola, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, nhận định xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng hiện nay đang hướng đến tăng cường khả năng phục hồi của các doanh nghiệp. Mục tiêu là nâng cao tốc độ phục hồi và hiệu quả chuỗi cung ứng khi đối mặt với các cú sốc bên ngoài.
Hai cú sốc lớn trong những năm qua đã làm thay đổi chiến lược chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp và quốc gia, đó là căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cùng đại dịch COVID-19. Những biến cố này đã thúc đẩy các doanh nghiệp hướng đến các giải pháp như đưa sản xuất trở lại nước mình (reshoring), chuyển dịch đầu tư về các quốc gia có vị trí địa lý gần (nearshoring) và đầu tư vào các quốc gia có các mối quan hệ về kinh tế, đặc biệt là về chính trị để đảm bảo an toàn và không xảy ra rủi ro (friendshoring).
Việt Nam, với mối quan hệ thương mại mạnh mẽ cùng Trung Quốc và Mỹ, đang đứng trước cả cơ hội và thách thức. Nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nhân đã đặt câu hỏi về tác động của sự phân mảnh địa kinh tế và căng thẳng thương mại gia tăng đối với Việt Nam. Trả lời câu hỏi này, ông Coppola cho rằng đến nay các tác động là tích cực và Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội này.
Theo ông, trong khi thương mại toàn cầu đang trong xu hướng giảm dần hơn một thập kỷ qua, một số chuỗi giá trị đã được dịch chuyển sang Việt Nam. Song song với đó, Việt Nam đã có thể làm sâu sắc hơn liên kết thương mại với Mỹ, cũng như tăng thị phần xuất khẩu trong các lĩnh vực như điện tử hoặc máy móc. Theo số liệu mới nhất của WB, xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam sang Mỹ đã tăng trưởng nhanh hơn gần 25% so với các điểm đến khác trong giai đoạn 2018 - 2021.
Tuy nhiên, nhìn về tương lai vẫn có nhiều bất định, đặc biệt là với việc Mỹ áp dụng các quy định xuất xứ nghiêm ngặt đối với thép và nhôm từ Mexico cũng như các cuộc điều tra chống bán phá giá đối với tấm pin Mặt trời từ Việt Nam. Đây là những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ có thêm các biện pháp thương mại khắt khe hơn trong thời gian tới.
Đồng bộ chính sách để gia tăng giá trị
Ông Coppola khuyến nghị, để nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam cần chuyển từ các hoạt động lắp ráp giá trị gia tăng thấp sang sản xuất sản phẩm tinh vi hơn, có giá trị cao và bền vững. Điều này đòi hỏi sự đồng bộ trong chính sách, từ tự do hóa thương mại, cải thiện thủ tục hải quan, đến nâng cấp kỹ năng lao động và phát triển cơ sở hạ tầng.
Về tự do hóa thương mại, ông khuyến nghị Việt Nam cần giảm bớt các rào cản phi thuế như thủ tục hải quan phức tạp và hạn chế vốn nước ngoài để tăng cường thương mại và đầu tư. Đồng thời, việc đẩy mạnh hội nhập thương mại, đặc biệt trong khu vực châu Á, có thể giúp tăng cường khả năng tiếp cận thị trường và đa dạng hóa xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, việc cải thiện kỹ năng lao động và năng lực quản lý cũng là yếu tố then chốt để thúc đẩy ứng dụng công nghệ và nâng cao khả năng thích ứng của lực lượng lao động. Ông Coppola cũng nhấn mạnh sự cần thiết của đầu tư vào hạ tầng năng lượng sạch nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, đồng thời đảm bảo cam kết giảm phát thải carbon và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu xanh từ các thị trường quốc tế.
Nâng cao sức chống chịu trước thiên tai
Bên cạnh các nỗ lực đa dạng hóa, việc cải thiện sức chống chịu trước thiên tai cũng là yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam. Cơn bão số 3 (Cơn bão Yagi) cùng những tổn thất sâu rộng đi kèm là lời nhắc nhở rằng chuỗi cung ứng cần được thiết kế theo hướng bền vững hơn, chuẩn bị tốt hơn và có khả năng phục hồi nhanh chóng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Aaditya Mattoo, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cho rằng trong dài hạn, Việt Nam cần ưu tiên xây dựng các chính sách nhằm xây dựng chuỗi cung ứng theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu và thiên tai, đồng thời bảo vệ sinh mạng con người. Như vậy, phát triển bền vững không chỉ bao gồm việc sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng như điện tử hay xe máy, ô tô… mà còn cần thiết lập một hàng rào để bảo vệ những thành quả này.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam là quốc gia thường xuyên đối mặt với thiên tai. Chính vì vậy, việc tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các tác động của thiên tai là vấn đề hết sức cấp thiết.
Theo ông Nguyễn Bá Hùng, quá trình tái thiết sau thiên tai không chỉ dừng ở việc khôi phục lại như cũ mà cần hướng tới việc xây dựng và nâng cấp các công trình, cơ sở hạ tầng bền vững hơn. Ngoài ra, về dài hạn, Việt Nam cần một cách tiếp cận có hệ thống để xây dựng các tiêu chuẩn về sức chống chịu trước thiên tai, chẳng hạn như việc đưa ra tiêu chuẩn thiết kế đối với các công trình dân dụng hay công trình hạ tầng.
Bên cạnh đó, cần phát triển hơn nữa thị trường bảo hiểm, đặc biệt là các sản phẩm đặc thù để xử lý rủi ro thiên tai, vì đây chính là một trong những công cụ hiệu quả để tạo ra nguồn lực khắc phục thiên tai. Bảo hiểm tài sản, kể cả tài sản công, và nông nghiệp sẽ giúp người dân và doanh nghiệp có nguồn lực phục hồi nhanh chóng sau khi xảy ra thiên tai, từ đó thúc đẩy sản xuất và kinh doanh ổn định.