Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, ngày 2/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Theo đài RT của Liên bang Nga ngày 10/4, vào hôm trước (9/4), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nâng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên mức 125%, để đáp trả các biện pháp trả đũa từ Bắc Kinh.
Trung Quốc hiện vẫn chưa đưa ra phản ứng cụ thể với đợt tăng thuế mới này, dù trước đó Bộ Thương mại Trung Quốc từng tuyên bố sẽ “chiến đấu đến cùng” trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Khi được hỏi liệu ông có lo ngại về bước đi tiếp theo của Bắc Kinh và nguy cơ xảy ra “leo thang vượt ngoài phạm vi chiến tranh thương mại” hay không, Tổng thống Mỹ cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là “một trong những người thông minh nhất thế giới” và sẽ không bao giờ để điều đó xảy ra.
Phát biểu với báo giới tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, ông Trump nói: “Chúng tôi rất mạnh. Đất nước này rất mạnh. Mạnh hơn nhiều so với những gì người ta tưởng. Chúng tôi có những loại vũ khí mà không ai biết đến, và đó là những vũ khí mạnh nhất thế giới mà chúng tôi sở hữu. Mạnh hơn bất kỳ ai, thậm chí không ai đến gần được”.
“Vì vậy, sẽ không ai dám làm điều đó”, ông Trump nói thêm, đồng thời nhấn mạnh rằng ông Tập là một “người rất thông minh” và “biết chính xác cần phải làm gì”.
RT cho biết Tổng thống Mỹ trước đây từng úp mở về các loại vũ khí bí mật và lần này cũng không đưa ra chi tiết cụ thể nào về loại vũ khí mà ông đang nói đến.
Năm 2020, ông Trump từng khoe về cái mà ông gọi là “tên lửa siêu cấp” có thể bay “nhanh hơn 17 lần” so với bất kỳ thứ gì mà đối thủ của Mỹ sở hữu.
Ông Trump cũng từng tuyên bố rằng các đột phá công nghệ siêu vượt âm của Liên bang Nga là do đánh cắp kế hoạch tên lửa của Mỹ tdưới thời Tổng thống Barack Obama – mặc dù trên thực tế Mỹ vẫn chưa triển khai được vũ khí siêu vượt âm nào hoạt động hiệu quả.
Trong khi đó, cả Moskva (Moscow) và Bắc Kinh đều đã vượt Mỹ trong cuộc đua phát triển vũ khí siêu vượt âm trong thập kỷ qua.
Liên bang Nga đã đưa hệ thống Kinzhal (tên lửa phóng từ máy bay) vào biên chế từ năm 2017 còn Trung Quốc cũng trình làng phương tiện lướt siêu vượt âm DF-ZF hai năm sau đó.
Liên bang Nga đã sử dụng cả tên lửa Kinzhal và Zircon (phóng từ tàu chiến) trong cuộc xung đột tại Ukraine.
Xem video ghi lại nhiều ánh chớp bùng lên vào ngày 21/11/2024 sau khi Liên bang Nga tuyên bố đã phóng một tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik trong cuộc tấn công vào cơ sở quốc phòng Pivdenmash ở Dnipro, Ukraine. Nguồn: X
Tháng 11 năm ngoái, Moskva cũng lần đầu tiên thử nghiệm trong điều kiện chiến đấu tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik, được trang bị các đầu đạn có khả năng nhắm mục tiêu độc lập và đạt tốc độ siêu vượt âm.
Sau vụ phóng, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin tuyên bố:“Hiện tại không có cách nào để đánh chặn loại vũ khí này. Tên lửa tấn công mục tiêu với tốc độ Mach 10 (12.300 km/h – 7.700 mph)… Chúng tôi đã sẵn sàng cho mọi tình huống. Nếu ai đó còn nghi ngờ, họ không nên”.
Báo The Kyiv Post dẫn các nguồn tin quân sự Liên bang Nga cho biết tên lửa Oreshnik có tầm bắn 5.000 km (3.100 dặm), nghĩa là nếu được phóng từ lãnh thổ Liên bang Nga, nó có đủ khả năng tấn công hầu hết châu Âu và cả bờ Tây của Mỹ.
Hãng tin Reuters trích lời Anatoly Matviychuk, một chuyên gia quân sự Liên bang Nga, cho biết thêm: “Tên lửa này có thể mang theo 6 đến 8 đầu đạn, có thể là đầu đạn thường hoặc hạt nhân. Đây có lẽ là một trong những loại vũ khí có tính linh hoạt và sức mạnh vô song”.
Chuyên gia Matviychuk cũng nhắc lại tuyên bố của Putin:“Thiết kế MIRV (đầu đạn có khả năng tấn công nhiều mục tiêu độc lập) cho phép nó tấn công nhiều mục tiêu với độ chính xác cao, trong khi vật liệu cấu tạo đầu đạn có thể chịu được nhiệt độ cực cao – điều này tạo ra một bước ngoặt lớn”.
Đến tháng 12 cùng năm, sau nhiều lần trì hoãn và thử nghiệm thất bại, Washington mới công bố lần phóng thử thành công đầu tiên của vũ khí siêu vượt âm tầm xa do tập đoàn Lockheed Martin phát triển từ năm 2017.
Mỹ hy vọng sẽ trang bị phiên bản phóng từ mặt đất của tên lửa này cho đơn vị đầu tiên trong năm nay.