Tổng thống Trump đưa Mỹ trở lại châu Á

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể không tuyên bố chiến lược “xoay trục” sang châu Á, song những hành động trên thực tế của Washington đang thực sự làm thay đổi cán cân quyền lực ở khu vực này.

Tổng thống Mỹ D. Trump có chuyến thăm châu Á đầu tiên năm 2017. Ảnh:ktuu.com

Đây là nhận định của học giả Thitinan Pongsudhirak hiện là Giám đốc Viện nghiên cứu An ninh và Quốc tế, Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), đăng trên trang mạng Straitstimes ngày 20/2.

Học giả này cho rằng cuộc tập trận chung thường niên lần thứ 37 mang tên Hổ Mang Vàng, với sự tham gia của 29 nước đang diễn ra ở Thái Lan, thể hiện chính sách địa chiến lược rõ ràng dưới thời Tổng thống Trump. Khi tuyên bố chính sách “Nước Mỹ trên hết” như một câu thần chú của mình, nhiều người nghĩ rằng Chính quyền Tổng thống Trump sẽ quay lưng lại với sân chơi chính trị châu Á.  

Thế nhưng điều này không còn đúng nữa sau năm đầu tiên ông Trump cầm quyền. Thực tế cho thấy Chính quyền Tổng thống Trump đang đưa Mỹ trở lại cán cân quyền lực ở châu Á với một phong cách khác (so với chính sách xoay trục của Chính quyền tiền nhiệm Barack Obama).   

Có thể nhận thấy phong thái khác biệt của Chính quyền Tổng thống Trump khi trở lại châu Á so với Chính quyền Obama là việc Washington đã tăng số lượng quân nhân tham gia cuộc tập trận Hổ Mang Vàng lên 6.800, tức gần gấp đôi so với con số trong các cuộc tập trận giai đoạn 2015-2017. Như vậy, phải mất 1 năm để Tổng thống Trump tái củng cố quân số Mỹ tham gia Hổ Mang Vàng, vốn nhằm tăng cường khả năng hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng Mỹ và các đối tác và đồng minh.    

Chính quyền Tổng thống Trump đã phát đi tín hiệu rõ ràng rằng những lợi ích ưu tiên chiến lược địa chính trị quan trọng hơn những giá trị. Nhờ đó, chính quyền quân sự của Thái Lan có phạm vi rộng lớn hơn khi xử lý mối quan hệ với Washington. Ngoài sự sẵn sàng can dự với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á, Chính phủ Mỹ còn có một kế hoạch địa chính trị lớn hơn mà trọng tâm là khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi ông Trump coi là vũ đài chính của cạnh tranh và hợp tác thế giới.        

Mặc dù ông ca ngợi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một “người đàn ông hết sức đặc biệt” tại các hội nghị ASEAN diễn ra hồi tháng 11/2017, song tài liệu Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ công bố tháng 1/2018 đã gọi cả Trung Quốc và Nga là “những cường quốc địch thủ” thách thức “sức mạnh, tầm ảnh hưởng và lợi ích của Mỹ”. Quan điểm này sau đó được nhấn mạnh bởi tài liệu “Chiến lược Quốc phòng Mỹ 2018”, trong đó coi “sự cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia, không phải chủ nghĩa khủng bố” là “mối quan tâm chủ đạo của an ninh quốc gia Mỹ”.

Sau 1 năm tại nhiệm, Chính quyền Tổng thống Trump đã đưa ra khuôn khổ địa chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vốn đặt ưu tiên những lợi ích của Washington dựa trên nền tảng trao đổi thương mại khi có thể, nhưng cũng dựa trên nền tảng khu vực khi cần thiết. Điều này giải thích cách xử lý vấn đề thương mại và đầu tư của Tổng thống Trump, ngay cả với các đồng minh thân cận như Hàn Quốc và Thái Lan, khi Mỹ muốn giải quyết vấn đề bất cân bằng thương mại.  
       

Tổng thống Trump (đi giữa) dự Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC lần thứ 25 tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN


Tổng thống Trump cũng không bỏ qua các cơ chế lớn hơn trong việc thúc đẩy hợp tác và đối thoại, như hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hiệp hội các quốc gia (ASEAN) diễn ra gần đây, các Hội nghị Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Thế nên, sự tái định hướng chiến lược của Tổng thống Trump mang tính quyết đoán hơn so với chiến lược “xoay trục” hay “tái cân bằng” được công bố rộng rãi của Chính quyền tiền nhiệm Obama. Bởi trong những năm dưới thời ông Obama, khu vực Đông Nam Á có thể bị coi là “lép vế” trước Trung Quốc. Với sự trở lại rõ ràng hơn của Mỹ trong bối cảnh địa chính trị phức tạp hiện nay, sự chuyển động quyền lực ở khu vực có thể sẽ tiếp tục thay đổi.  

Một yếu tố nữa cho thấy Chính quyền Tổng thống Trump có thể quay lại châu Á đó là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chỉ 3 ngày sau khi tiếp quản Nhà Trắng, vị tổng thống thứ 45 của Mỹ đã ký sắc lệnh rút nước này khỏi TPP, hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà ông Trump cáo buộc là một thảm họa và gây phương hại cho nền kinh tế cũng như người lao động Mỹ.   

Tuy nhiên, có vẻ như “gió đã đổi chiều” thời gian gần đây. Phát biểu với báo chí bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) hôm 25/1, Tổng thống  Trump cho biết ông sẽ xem xét quay lại TPP nếu đạt được một thỏa thuận tốt hơn. Việc Mỹ tham gia TPP cũng ngày càng nhận được nhiều tiếng nói ủng hộ trong chính giới Mỹ. Cuối tuần qua, một nhóm 25 Thượng nghị sĩ chủ chốt của đảng Cộng hòa đã gửi “tâm thư” kêu gọi Tổng thống Trump đưa Mỹ trở lại TPP, hiệp định có sự tham gia của 11 quốc gia nằm bên bờ Thái Bình Dương. 

Mặc dù Tổng thống Trump được đánh giá là một nhà lãnh đạo không nhất quán trong nền chính trị Mỹ, song xem ra khó có thể đoán định tính cách ông Trump ở châu Á. Tổng thống Trump có cách tiếp cận khác biệt đối với chính sách “cây gậy và củ cà rốt” và ông có khả năng ứng biến với thiên hướng đạt thỏa thuận trong giao dịch thương mại của Trung Quốc. Mặc dù dốc sức cho quan điểm “Nước Mỹ trên hết” nhưng ông Trump cũng chú tâm không kém đến việc tái lập sự hiện diện của Mỹ ở nước ngoài.        

Còn nhớ hồi năm 2009, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khi ở Bangkok đã tuyên bố rằng “Mỹ quay trở lại” khu vực, song chiến lược xoay trục đó của Chính quyền Obama lại không được triển khai sâu rộng, triệt để. Trong khi đó, Chính quyền ông Trump chưa tuyên bố bất kỳ sự “quay lại” nào, nhưng các kết quả trên thực tế lại đang chuyển động theo hướng này, đem lại lợi ích cho một cán cân địa chính trị mới ở khu vực.
 
TTXVN/Tin tức
Hàn Quốc chi bao nhiêu tiền để đón tiếp phái đoàn Triều Tiên?
Hàn Quốc chi bao nhiêu tiền để đón tiếp phái đoàn Triều Tiên?

Hàn Quốc đã chi khoảng 240 triệu won (tương đương 5,07 tỷ đồng) để tiếp đón phái đoàn cấp cao Triều Tiên sang nhân dịp khai mạc Olympic Mùa đông Pyeongchang 2018, trong đó có em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un, bà Kim Yo-jong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN