Thông báo này của Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như là một lời thừa nhận rằng ông đã không thể thúc đẩy quốc hội lưỡng viện đạt được một thỏa thuận cứu trợ trong tuần cuối cùng trước ngày bầu cử này.
Phát biểu với báo giới ngày 27/10 tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump tuyên bố Chủ tịch Hạ viện - Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Nancy Pelosi - là người gây ra thế bế tắc hiện nay trong các cuộc đàm phán về các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông khẳng định: "Sau cuộc bầu cử, chúng tôi sẽ đạt được một gói kích thích kinh tế hiệu quả nhất mà bạn từng thấy vì tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện."
Mặc dù thời gian gần đây, các cuộc đàm phán kéo dài nhiều tháng qua giữa bà Pelosi và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin về gói cứu trợ mới đã ghi nhận một số tiến triển, nhưng dường như không còn thời gian để một thỏa thuận được thông qua trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 3/11 tới. Trong khi đó, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện - Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mitch McConnell - đã quyết định ngừng các cuộc họp tại Thượng viện sau khi cơ quan lập pháp này vừa gấp rút phê chuẩn bà Amy Coney Barrett vào vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao vào ngày 26/10 vừa qua.
Hiện các nghị sĩ đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đang xem xét một gói các biện pháp kích thích kinh tế có tổng trị giá khoảng 2.000 tỷ USD. Trên thực tế, hai đảng đồng thuận thúc đẩy phúc lợi cho hơn 25 triệu người Mỹ dưới hình thức viện trợ thất nghiệp, hỗ trợ trực tiếp các hộ gia đình và các doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, hai bên mâu thuẫn về viện trợ cho các bang và địa phương, kế hoạch xét nghiệm virus SARS-CoV-2 toàn quốc hay mở cửa trở lại các trường học. Ngoài ra, bản thân trong nội bộ đảng Cộng hòa tại Thượng viện cũng đang tồn tại bất đồng liên quan tới gói cứu trợ này. Nhiều nghị sĩ bảo thủ cho rằng cứu trợ lớn sẽ gây bất lợi cho chính quyền trong cuộc bầu cử tới khi làm tăng thâm hụt ngân sách.
Đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đầu tàu thế giới, khiến hàng chục triệu người lao động Mỹ bị thất nghiệp và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lao dốc 31,7% trong quý II vừa qua khi một loạt doanh nghiệp phải đóng cửa để ngăn chặn dịch lây lan. Hiện các điều khoản chính trong gói chi tiêu 3.000 tỷ USD theo Đạo luật Cứu trợ, hỗ trợ và an ninh kinh tế (CARES), được ban hành tháng 3 vừa qua nhằm hỗ trợ nền kinh tế Mỹ vượt qua đại dịch COVID-19, đã hết hạn và cần một gói cứu trợ mới trong bối cảnh dịch bệnh chưa có dấu hiệu cải thiện đáng kể.